Bơm tiền giải cứu kinh tế: Đừng tạo thêm bong bóng
Các giải pháp giải kích thích kinh tế đã được triển khai nhưng các yêu cầu giải cứu kinh tế tiếp tục được đặt ra gây khoong ít áp lực cho chính sách điều hành. Tuy nhiên, theo cảnh cáo của các chuyên gia và tổ chức quốc tế việc giải cứu là cần thiết nhưng cần phải được kiểm soát ở hợp lý.
Các giải pháp giải kích thích kinh tế đã được triển khai nhưng các yêu cầu giải cứu kinh tế tiếp tục được đặt ra gây khoong ít áp lực cho chính sách điều hành. Tuy nhiên, theo cảnh cáo của các chuyên gia và tổ chức quốc tế việc giải cứu là cần thiết nhưng cần phải được kiểm soát ở hợp lý.
Nguy cơ suy giảm và tiềm ẩn lạm phát
Ngân hàng HSBC vừa công bố Chỉ số Quản trị nhà mua hàng (PMI) tháng 5. Theo đó, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục xu hướng suy giảm từ đầu năm 2013 khi sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều giảm trở lại sau khi đã hồi phục nhẹ ở hai tháng trước.
Với kết quả 48,8 điểm so với 51 điểm của tháng 4, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam được điều chỉnh theo mùa đã nằm dưới ngưỡng trung bình 50 điểm – một dấu hiệu cho thấy sức cầu khách hàng suy yếu, tồn kho lớn. Trong khi đó, các DN vẫn thận trọng trong tuyển dụng do nhu cầu tiêu dùng nội địa giảm sút; DN phải cắt giảm chi phí để vượt qua khó khăn.
Thống kê cho thấy lạm phát tính tới hết tháng 5 vừa qua tuy đứng ở mức thấp nhưng một điểm đáng lưu ý là chi phí đầu vào trung bình đã tăng năm tháng liên tiếp gây khó khăn cho các DN.
Hồi giữa tháng 5, các ý kiến thành viên Ủy ban kinh tế Quốc hội đều khẳng định, các chỉ báo cho thấy tình trạng suy giảm kinh tế đang rõ nét hơn. Một bộ phận lớn DN đang nỗ lực vượt qua thời điểm khó khăn, nhưng không thể kéo dài tình trạng này hơn nữa.
Nhiều đại diện của cộng đồng DN cũng cho rằng, các DN hiện nay khốn khó hơn nhiều so với hình dung của mọi người; một số lớn DN đã chết chỉ còn chờ chôn, mà nguyên nhân lớn nhất là sức cầu của nền kinh tế quá thấp, sức mua của thị trường quá yếu; tình trạng đình đốn sản xuất kinh doanh diễn ra khắp nơi.
Dựa trên các chỉ số như lạm phát, thương mại, bán lẻ và chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam, HSBC cho rằng, các tín hiệu đều cho thấy nhu cầu nội địa thấp đang đè nặng áp lực lên nền kinh tế. Đây là yếu tố có thể khiến quá trình hồi phục kinh tế Nam rất mong manh.
Đánh giá về thực trạng kinh tế Việt Nam ông Sanjoy Sen, Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng cá nhân khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Ngân hàng ANZ cũng cho rằng, vấn đề nổi cộm hiện tại vẫn là nợ xấu ở mức cao, BĐS trầm lắng và sức cầu nội địa thấp. Các yếu tố này đang ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng, tới nền kinh tế nói chung.
Theo đại diện của ANZ, đây là những vấn đề rất quan trọng và cần được can thiệp để trở lại tình trạng bình thường, nợ xấu được cải thiện, BĐS bớt trầm lắng. Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ cho sự phát triển của các thị trường, bao gồm cả BĐS, chứng khoán, trái phiếu… để đảm bảo thị trường nội địa hồi phục trở lại.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đối với các thị trường mới nổi như Việt Nam là tăng trưởng cần quản lý, tránh tạo ra bong bóng.
Dựa vào tiêu dùng nội địa
Để giải quyết tình trạng suy giảm kinh tế, Chính phủ gần đây đã đưa ra khá nhiều giải pháp, trong đó có việc thành lập công ty mua bán nợ quốc gia, hạ lãi suất, bơm tiền kích cầu BĐS ở mảng nhà xã hội…
Việc can thiệp vào thị trường, theo nhiều chuyên gia là cần thiết nhưng điều quan trọng là can thiệp như thế nào, thực hiện như thế nào. Bên cạnh đó, việc phục hồi một nền kinh tế đang gặp khá nhiều vấn đề trục trặc như hiện nay khá phức tạp, không thể trong ngày một, ngày hai. Vực dậy một nền kinh tế không chỉ một vài gói hỗ trợ là được mà cần rất nhiều giải pháp, biện pháp và các chính sách khác nhau, trên cơ sở một chiến lược nhất quán.
Sự đình đốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, tình trạng bất ổn của nền kinh tế gần đây phần lớn bắt nguồn từ quá trình tự do tín dụng của khu vực nhà nước trong thập kỷ trước và lĩnh vực tài chính non trẻ bị gánh nặng nợ xấu dồn ép.
Có thể thấy, dự án mua lại nợ xấu và gói hỗ trợ BĐS 30 nghìn tỷ đồng là sáng kiến quan trọng để cải thiện hiệu quả của hệ thống ngân, vực dậy thị trường BĐS. Mặc dù vậy, nhìn vào nguyên nhân của những trục trặc kinh tế gần đây, có thể thấy, nếu các biện pháp nới lỏng và hỗ trợ không được giám sát, quản lý tốt sẽ khiến nền kinh tế rơi trở lại vào khủng hoảng.
Trong thời gian qua, tình trạng bong bóng khá rõ nét ở nhiều thị trường. Chứng khoán có thời điểm đã tăng lên tới gần 1.200 điểm rồi rơi trở lại tình trạng ảm đạm, loanh quanh mức 400-500 điểm trong một thời gian rất dài. BĐS lao dốc trong cả năm qua… Đây chính là lý do khiến vấn đề liều lượng và cách thức thực hiện có thể coi là rất quan trọng trong quá trình vực dậy nền kinh tế.
Theo HSBC, sự thờ ơ tiêu dùng và đầu tư sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam. Tổ chức này cũng vừa hạ dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2013 từ mức 5,5% trước đây xuống còn 5,1% do tiêu dùng, đầu tư kém và tăng trưởng tín dụng yếu.
Bên cạnh việc xử lý nợ xấu hiệu quả, việc thúc đẩy tiêu dùng cá nhân cũng là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Các ngân hàng có thể thúc đẩy mảng bán lẻ, nâng cấp công nghệ, mở ra nhiều sản phẩm, thay đổi thói quen của người tiêu dùng như văn hóa tiêu dùng nợ… Điều quan trọng là việc tạo ra các chính sách để các ngân hàng, DN, người tiêu dùng tự gặp nhau. Hiện nay, chưa có các quy định đầy đủ để tạo ra mối liên kết giữa 3 bên, để bảo vệ 3 bên liên quan nói trên. Khi người tiêu dùng được bảo vệ, ngân hàng được bảo vệ, DN được bảo vệ, dòng tiền sẽ lưu quay vòng nhanh tạo cơ sở cho kinh tế tăng trưởng.
Huấn Tú
Theo VietNamNet
Ý kiến ()