BOJ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ
Ngày 21/9, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, tiếp tục hướng tới mục tiêu lạm phát 2%.
Sau hai ngày họp, ban lãnh đạo BOJ đã quyết định tiếp tục chương trình mua tài sản ở quy mô lớn và chính sách lãi suất âm. Theo đó, Nhật Bản sẽ tiếp tục mua lại trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm và lãi suất gần 0%, với mức mua 80.000 tỷ yen/năm (tương đương 717 tỷ USD), mặc dù con số này đã giảm xuống gần 60.000 tỷ yen trong những tháng gần đây.
Kinh tế Nhật Bản được ghi nhận đang trên đà phục hồi vừa phải với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo năm trong quý tính đến hết tháng 6 là 2,5%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp trong những tháng vừa qua vẫn ở mức thấp là 2,8%. Tuy nhiên, tình hình lạm phát vẫn khá ảm đạm. Mặc dù thị trường lao động bị siết chặt, việc tăng lương vẫn khá chậm trong khi tiêu dùng cá nhân (chiếm 50% GDP Nhật Bản) cũng sụt giảm. Các nhà kinh tế nhận định nguyên nhân là do giá cả sụt giảm trong nhiều năm đã dẫn đến tâm lý giảm phát.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo lạm phát chính, trong tháng 7 chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cách xa mục tiêu 2% mà BOJ đề ra. Tháng 7 vừa qua, BOJ đã lùi thời điểm đạt mục tiêu trên xuống tài khóa 2019, sau nhiều lần trì hoãn so với hạn chót ban đầu là năm 2015.
Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda (Ha-rư-hi-cô Cư-rô-đa) đã công bố gói kích thích kinh tế trên vào năm 2013, được xem là một trọng tâm trong chính sách kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Sin-dô A-bê). Các nhà kinh tế cảnh báo rằng việc duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành tài chính và thị trường, trong khi ngân hàng trung ương sẽ chịu thiệt hại lớn khi kết thúc chương trình.
Động thái trên của BOJ đi ngược lại xu hướng của các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu đang chủ trương bình thường hóa chính sách tài chính thông qua việc giảm bớt chương trình kích thích kinh tế. Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 20/9 tuyên bố giữ nguyên lãi suất cơ bản, song nhấn mạnh sẽ bắt đầu thu hẹp bản cân đối kế toán nhằm từng bước chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ, trong bối cảnh nền kinh tế đầu tàu thế giới tăng trưởng vững chắc. Về dài hạn, ngân hàng trung ương Mỹ xác nhận sẽ chấm dứt chương trình kích thích kinh tế được đưa ra trong giai đoạn khủng hoảng tài chính. Dự kiến, trong tháng tới, FED sẽ bắt đầu giảm quy mô lượng trái phiếu nắm giữ, hiện đã tăng lên mức 4.500 tỷ USD, thuộc chương trình nới lỏng định lượng được triển khai sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 sau khi lãi suất bị giảm xuống mức gần 0./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()