Bồi dưỡng, phát triển kỹ năng mềm cho trẻ em: Sự vào cuộc của toàn xã hội
(LSO) – Kỹ năng sống – kỹ năng thực hành xã hội chính là những kỹ năng mềm được hình thành từ sự tích lũy thông qua môi trường giáo dục và đời sống xã hội…
Nhà trường- vai trò chủ đạo
Giáo dục hiện đại đã xác định vai trò của nhà trường và đội ngũ giáo viên là ngoài dạy chữ, còn phải dạy và cung cấp cho học sinh những kiến thức về giá trị sống, kỹ năng sống. Nếu kỹ năng “cứng” là khả năng học vấn, kinh nghiệm và sự thành thạo về chuyên môn, thì kỹ năng mềm là cơ sở để tạo nên sự phát triển. Thống kê của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) cho biết, toàn tỉnh đã có trên 500 trường học với gần 160 ngàn học sinh (chiếm tỷ lệ 73% số trường và 77% số học sinh) được học nội trú, bán trú hoặc 2 buổi/ngày. Đây là điều kiện rất thuận lợi để các nhà trường thực hiện tốt kế hoạch phát triển chương trình giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực học sinh một cách phù hợp. Với quỹ thời gian khá rộng, học sinh không những được lĩnh hội kiến thức đầy đủ, nhiều mặt, mà còn được trải nghiệm sáng tạo, hình thành và phát triển kỹ năng. Ngoài giá trị sống, những kỹ năng mềm trong thực hành xã hội, nhất là kỹ năng sinh tồn như: khả năng nhận biết nguy hiểm, kỹ năng phòng tránh, kỹ năng thoát hiểm… giúp các em tránh được những rủi ro từ thiên nhiên và xã hội.
Lớp dạy bơi tại hồ bơi thông minh của Trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: Mở rộng và phát triển hình thức bán trú, nhất là phát triển mạnh loại hình phổ thông dân tộc bán trú ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, ngành GD&ĐT không những có đóng góp lớn vào việc giải phóng sức lao động xã hội mà còn bảo vệ có hiệu quả trẻ em khỏi bị xâm hại.
Sự vào cuộc của xã hội
Bằng nhiều hình thức khác nhau, xã hội đã tích cực vào cuộc để chung tay với ngành giáo dục bồi dưỡng, phát triển kỹ năng mềm cho trẻ em; bảo vệ trẻ em trước các tại nạn thương tích, chống lại các hành vi ngược đãi, bạo hành về tâm hồn cũng như thể xác, nhất là xâm hại tình dục trẻ em. Song song với các chương trình hằng năm của ngành lao động, thương binh và xã hội, các chương trình hè bổ ích cho trẻ em đã được Tỉnh đoàn phát động, các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh thực hiện. Điển hình là tổ chức các “Học kỳ quân đội” hay chương trình “Vì một mùa hè an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em”…
Với chủ đề “chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số” do tỉnh phát động, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo phụ nữ các huyện, thành phố phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và nhà trường có nhiều hình thức tuyên truyền phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, ra mắt mô hình an toàn cho trẻ em. Lực lượng công an một mặt tăng cường tuyên truyền nhân rộng mô hình phường, xã an toàn, khu dân cư an toàn, không có tệ nạn xã hội; tạo môi trường thân thiện với trẻ em; mặt khác đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, tội phạm bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em. Trước thực trạng thiếu các thiết chế thể dục thể thao (TDTT) tại các cơ sở giáo dục, ngành văn hóa, thể thao và du lịch, tổ chức, cá nhân đã vào cuộc một cách tích cực, mở ra nhiều lớp học hè bổ ích như: võ, nhạc, họa cho thiếu nhi. Đặc biệt, mua sắm và dựng các hồ bơi thông minh, có đội ngũ hướng dẫn bơi cho các em để phục vụ nhu cầu học bơi cho trẻ.
Cần sự nỗ lực hơn nữa
Tuy vậy, trẻ em vẫn đứng trước nhiều nguy cơ, nhất là tai nạn thương tích và bị xâm hại. Chúng ta vẫn chưa thể quên tai nạn đuối nước thương tâm của 4 em học sinh huyện Cao Lộc cách đây tròn 3 năm; dư luận cũng vẫn còn “sốc” khi nghe tin một bé gái 5 tuổi ở huyện Lộc Bình bị chính người quen xâm hại tình dục. Trên thực tế, những tai nạn thương tích, nhất là đuối nước thường xảy ra trong dịp hè; những vụ bạo hành, xâm hại chủ yếu diễn ra trong khu vực dân cư và do những người có trình độ văn hóa thấp thực hiện nên việc quản lý con em cần phải được các gia đình chú trọng hơn.
Đối với ngành GD&ĐT, việc nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm cũng như trình độ quản lý, quản trị nhà trường cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường nội trú, bán trú 2 buổi/ngày cần được ngành GD&ĐT quan tâm hơn nữa. Được như vậy, trẻ em sẽ được bảo vệ một cách toàn diện từ gia đình đến nhà trường và xã hội.
Ý kiến ()