Bồi dưỡng nguồn nhân lực: Chìa khóa để chuyển đổi số thành công
– Một trong những giải pháp để chuyển đổi số thành công là xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngay khi triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã tham mưu cho tỉnh thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở TTTT cho biết: Chuyển đổi số là một nhiệm vụ rất mới và chưa có tiền lệ, chính vì vậy, ngay khi triển khai, chúng tôi nhận thấy cần phải khẩn trương đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Đối tượng của kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực là: lực lượng quản lý, lực lượng chuyên môn và người dân. Mục tiêu đào tạo với cán bộ quản lý là cần thay đổi tư duy, nhận thức về chuyển đổi số; với lực lượng chuyên môn là nâng cao nghiệp vụ sử dụng, quản lý, ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn công việc; đối với người dân thì trọng tâm là đào tạo kỹ năng sử dụng nền tảng công nghệ số. Nòng cốt của chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh là các tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ), cùng đó là mạng lưới 1.000 chuyên gia về chuyển đổi số.
Thanh niên Tỉnh đoàn Lạng Sơn cài đặt ứng dụng số trên điện thoại thông minh
Xác định chuyển đổi số thành công thì rất cần sự vào cuộc của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cơ quan, ban ngành. Chính vì vậy, Sở TTTT đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nghị quyết, các kế hoạch về chuyển đổi số. Sở TTTT phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức các hội nghị, chương trình làm việc về chuyển đổi số, trong đó, chỉ rõ mục tiêu của chuyển đổi số cũng như vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công cuộc chuyển đổi số… Từ đó, từng bước thay đổi tư duy và phát huy mạnh mẽ vai trò của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành về chuyển đổi số tại địa phương, đơn vị.
Triển khai kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, Sở TTTT đã có sáng kiến thành lập các tổ CNSCĐ với thành viên là trưởng thôn, bản, khối phố, bí thư đoàn thanh niên, đoàn viên thanh niên, người dân tiếp cận nhanh với công nghệ số, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 1.684 tổ CNSCĐ với trên 7.700 thành viên, đảm bảo 100% các thôn, bản, khối phố trên địa bàn tỉnh đều có tổ CNSCĐ. Đây chính là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, đưa công nghệ số, nền tảng số đến với người dân nhanh hơn. Song song với việc thành lập tổ CNSCĐ, Sở TTTT đã phối hợp với các đơn vị: Bưu điện tỉnh, Viễn thông Lạng Sơn, Viettel Lạng Sơn bố trí nguồn nhân lực trực tiếp đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng số cho tổ CNSCĐ. Bên cạnh trực tiếp cầm tay, chỉ việc, các đơn vị còn thành lập các nhóm trên mạng xã hội zalo để giải đáp thắc mắc, hướng dẫn thành viên tổ CNSCĐ bất cứ lúc nào. Bằng cách làm này, thành viên tổ CNSCĐ đã nhanh chóng tiếp cận và sử dụng thành thạo các nền tảng số, ứng dụng số.
Chị Lăng Thị Hòa, thành viên tổ CNSCĐ thôn Làng Cằng, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Qua các lớp tập huấn, hướng dẫn, tôi đã biết sử dụng nhiều chức năng của nền tảng, ứng dụng số như: phản ánh hiện trường, tra cứu thông tin về thủ tục hành chính, đất đai trên nền tảng “Công dân số Xứ Lạng”; mở tài khoản người mua, người bán trên sàn thương mại điện tử; cách rút tiền, gửi tiền tại các điểm ATM mềm… Sau khi thành thạo tôi đã hỗ trợ các chị em trong thôn cài đặt và sử dụng.
Cán bộ các sở, ngành của tỉnh tập huấn triển khai chức năng xử lý phản ánh kiến nghị của Trung tâm Thông tin chỉ đạo, điều hành tại UBND tỉnh
Song song với đó, Sở TTTT tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, công nghệ số cho đội ngũ là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác tham mưu chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước đến cấp xã. Cụ thể như lớp tập huấn cho cán bộ tiếp nhận thông tin phản ánh hiện trường, công chức tiếp nhận yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, các lực lượng tại khu vực triển khai cửa khẩu số…
Theo thống kê sơ bộ, từ năm 2021 đến nay, Sở TTTT đã chủ trì và phối hợp triển khai trên 10 hội nghị tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng về chuyển đổi số như: tập huấn triển khai chức năng xử lý phản ánh kiến nghị của Trung tâm Thông tin chỉ đạo, điều hành tại UBND tỉnh; nền tảng cửa khẩu số; nền tảng “Công dân số Xứ Lạng”; phát triển tài khoản thanh toàn điện tử, tài khoản người mua trên sàn thương mại điện tử; mở gian hàng số… cho hơn 7.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức và thành viên tổ CNSCĐ. Trong đó, đã đào tạo được hơn 4.000 thành viên tổ CNSCĐ sử dụng thành thạo các chức năng của nền tảng “Công dân số Xứ Lạng”. Nguồn nhân lực này đã góp phần phát triển hơn 1.000 tài khoản Công dân số Xứ Lạng, hơn 117.000 tài khoản thanh toán diện tử; 117.000 cửa hàng số…
Trong thời gian tới, Sở TTTT sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số, công nghệ số, kỹ năng tổng hợp, phân tích dữ liệu số cho công chức tham gia mạng lưới 1.000 chuyên gia chuyển đổi số. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chuyển đổi số mà tỉnh đã đề ra.
THỤC QUYÊN
Ý kiến ()