Bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch, chứng thực: Sát thực tế, sâu kỹ năng
– Để nâng cao chất lượng công tác hộ tịch, chứng thực, thời gian qua, Sở Tư pháp chú trọng tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch. Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng, nâng cao chất lượng công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 400 công chức tư pháp – hộ tịch, chứng thực cấp huyện, xã. Hằng năm, Sở Tư pháp tổ chức từ 4 đến 7 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch, chứng thực, đảm bảo 100% công chức tư pháp – hộ tịch được cấp chứng chỉ hộ tịch theo quy định. Từ năm 2021 đến nay, Sở Tư pháp đã tổ chức được 16 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, hộ tịch cho hơn 1.200 lượt đại biểu tham dự.
Công chức tư pháp – hộ tịch xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực hộ tịch
Bà Tô Thị Hợi, Trưởng Phòng Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp cho biết: Trong những năm qua, phòng luôn tham mưu lãnh đạo sở chú trọng công tác tập huấn nghiệp vụ hộ tịch, chứng thực, nuôi con nuôi cho đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Công tác tập huấn ngày càng được đổi mới, đi sâu vào cập nhật kiến thức, kỹ năng mới. Những năm trước, sở tập trung tổ chức hội nghị tại tỉnh. Năm 2023, sở xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn tại 10 huyện trên địa bàn tỉnh, đến nay đã tổ chức được 3 hội nghị tại các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập với hơn 300 đại biểu dự. Các lớp tập huấn đã cung cấp những nội dung thiết thực và hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của từng cá nhân, đơn vị.
Theo đó, tại các lớp bồi dưỡng, Sở Tư pháp cử lãnh đạo phòng hoặc mời báo cáo viên trung ương truyền đạt các nội dung theo nhu cầu thực tế đặt ra, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp hằng năm như: bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về đăng ký và quản lý hộ tịch; các quy định chung về đăng ký và quản lý hộ tịch; đăng ký hộ tịch cấp huyện; đăng ký hộ tịch, nuôi con nuôi cấp xã; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch; các kỹ năng, nghiệp vụ về chứng thực chữ ký; chứng thực hợp đồng, giao dịch; chứng thực bản sao điện tử từ bản chính…
Cùng đó, công tác bồi dưỡng ngày càng đổi mới, đi sâu vào hướng dẫn các kỹ năng, chuyên đề cụ thể, những nội dung mới áp dụng trong lĩnh vực hộ tịch, chứng thực. Đơn cử như hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch, chứng thực được tổ chức ngày 10/5 vừa qua tại huyện Cao Lộc, cán bộ Sở Tư pháp đã truyền đạt nhiều chuyên đề, kỹ năng cho các đại biểu tham dự như: nghiệp vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; việc giải quyết yêu cầu hộ tịch cho nhóm dân cư yếu thế; khai thác, sử dụng thông tin về cư trú để giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực hộ tịch theo quy định của Nghị định số 104 ngày 21/12/2022 của Chính phủ; kỹ năng giải quyết hồ sơ nuôi con nuôi, đăng ký nuôi con nuôi; quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác…
Chị Hoàng Thị Hằng, công chức tư pháp – hộ tịch thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc cho biết: Tôi làm công chức tư pháp – hộ tịch đã gần 10 năm. Tôi thường xuyên được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch, chứng thực. Các lớp bồi dưỡng ngày càng đi sâu hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng cụ thể, các chuyên đề mới áp dụng trong thực tiễn. Đặc biệt, cán bộ Sở Tư pháp “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn chúng tôi thực hành các kỹ năng ngay tại lớp. Các thắc mắc cũng được giải đáp hướng dẫn cụ thể, kịp thời, nhờ đó chúng tôi dễ hiểu, dễ nhớ hơn các chuyên đề được bồi dưỡng, áp dụng vào công việc hiệu quả hơn.
Qua bồi dưỡng, đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch ngày càng nâng cao kiến thức, kỹ năng, ứng dụng công nghệ thông tin, tra cứu cơ sở dữ liệu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra, mang lại sự hài lòng cho công dân khi đến thực hiện các thủ tục hành chính lĩnh vực hộ tịch, chứng thực. Anh Chu Văn Minh, thôn Bắc Lệ, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng cho biết: Cuối tháng 4/2023 vừa qua, tôi đến trụ sở xã để đăng ký lại khai sinh, tôi được cán bộ xã tận tình hướng dẫn kê khai, chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, hồ sơ. Cán bộ xã đã sử dụng máy tính tra cứu thông tin, xác minh nhanh chóng. Tôi không phải chờ đợi, mà được nhận kết quả ngay trong buổi sáng.
Nhờ chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch, chứng thực đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, giúp cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch nắm vững các quy định pháp luật, các yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giải quyết các việc cụ thể phát sinh trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, chứng thực. Từ đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp, từ ngày 1/1/2023 đến ngày 15/5/2023, UBND cấp huyện đã thực hiện đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài 16 trường hợp; kết hôn có yếu tố nước ngoài 30 người. UBND cấp xã thực hiện đăng ký khai sinh 3.376 trường hợp; khai tử 2.091 trường hợp; kết hôn 1.434 cặp… Cơ bản các việc hộ tịch đều đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân về lĩnh vực này. |
DƯƠNG DUYÊN
Ý kiến ()