Bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở gắn với thực tế địa phương
Vấn đề bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ theo chức danh cán bộ cơ sở được nêu trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội XI của Đảng, Phần XII, mục 5: "Kiện toàn tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên" là hết sức trúng và đúng, phù hợp với giai đoạn cách mạng hiện nay.Cấp cơ sở xã, phường, thị trấn có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thực tế cho thấy, xã, phường, thị trấn nào thực hiện tốt quy hoạch cán bộ và cán bộ được rèn luyện, giáo dục, bồi dưỡng thường xuyên thì ở đó phong trào cơ sở phát triển toàn diện. Là cán bộ cơ sở, chúng tôi vui mừng khi Dự thảo Báo cáo Chính trị đề cập vấn đề này. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 92 quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Trên thực...
Cấp cơ sở xã, phường, thị trấn có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thực tế cho thấy, xã, phường, thị trấn nào thực hiện tốt quy hoạch cán bộ và cán bộ được rèn luyện, giáo dục, bồi dưỡng thường xuyên thì ở đó phong trào cơ sở phát triển toàn diện.
Là cán bộ cơ sở, chúng tôi vui mừng khi Dự thảo Báo cáo Chính trị đề cập vấn đề này. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 92 quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Trên thực tế, để bảo đảm các tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức cấp xã như quy định, đòi hỏi nhiều đồng chí phải tự lo kinh phí và thời gian học thêm về chuyên môn, nghiệp vụ. Trong khi chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn hiện nay còn thấp, lại phải tự chi phí học hành thì quả là khó khăn. Thêm vào đó, biên chế cán bộ cơ sở có hạn, cho nên cán bộ, công chức được cử đi học thường phải vừa học, vừa đảm đương nhiều việc, không thể dứt hẳn công việc để đi học được. Vì thế, tôi xin kiến nghị, cần có chế độ hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, công chức cơ sở đi học nâng cao, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ để đáp ứng những tiêu chuẩn quy định, phù hợp tình hình phát triển của xã hội hiện nay. Nên tổ chức một số khóa học ngoài giờ, để người học có điều kiện bố trí thời gian, bảo đảm tốt cả nhiệm vụ công tác và học hành…
Về chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, cần đổi mới phương thức và nội dung các chương trình cho sát thực tế; cần gợi mở sự sáng tạo của người học trong xử lý tình huống thường xảy ra; tổ chức thảo luận và đi thực tế hiệu quả, hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra từ quá trình thực thi công vụ; nâng cao kỹ năng hành chính. Nghĩa là, việc đào tạo, bồi dưỡng phải hướng vào việc mà người học cần, xã hội cần, và chính địa phương họ đang công tác cần. Theo đó, trên cơ sở căn cứ vào vị trí công tác, yêu cầu nghiệp vụ cụ thể của từng cán bộ, công chức, xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung, phương pháp sát với khả năng thực tế của cán bộ, công chức xã. Đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu giúp người học chủ động lựa chọn nội dung, chương trình, cơ sở đào tạo và thời gian học một cách thích hợp, tránh việc đào tạo, bồi dưỡng giống nhau, tràn lan cho mọi đối tượng. Mặt khác cần cập nhật những văn bản mới; vấn đề thời sự đang diễn ra trên địa bàn; kết hợp giữa lý thuyết và thực tế để các khóa đào tạo, bồi dưỡng mang lại hiệu quả thiết thực… Mỗi cán bộ cơ sở cần được bồi dưỡng các kỹ năng giao tiếp, diễn đạt; kỹ năng viết tổng hợp; xử lý thông tin, tình huống và có kỹ năng làm việc nhóm…
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở là yêu cầu bức thiết, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội từng địa phương.
Theo Nhandan
Ý kiến ()