Bồi dưỡng kiến thức dân tộc để thực hiện tốt công tác vận động quần chúng
– Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh luôn quan tâm công tác bồi dưỡng kiến thức dân tộc, học tiếng dân tộc. Đây là một trong những biện pháp cơ bản để làm tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện. Nhờ làm tốt công tác này, thế trận lòng dân ngày càng vững chắc, bà con tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Cán bộ Đồn Biên phòng Pò Mã tuyên truyền pháp luật đến người dân xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định
BĐBP tỉnh có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 231,74 km đường biên giới quốc gia tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Khu vực biên giới của tỉnh do BĐBP tỉnh phụ trách gồm 21 xã, thị trấn biên giới, với 176 thôn, khu dân cư, hơn 16.000 hộ, với gần 70.000 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao và Hoa sinh sống đan xen, trong đó, dân tộc Tày, Nùng chiếm gần 90%. Những năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới được quan tâm đầu tư, xây dựng, kinh tế, xã hội có bước phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết: Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh luôn quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, công tác dân tộc và chính sách dân tộc; quan tâm bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về dân tộc cho đội ngũ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Cùng với đó, tổ chức các lớp học tập trung để bồi dưỡng, học tiếng dân tộc Tày, Nùng cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp chưa biết nghe, nói hoặc chưa có chứng chỉ về tiếng dân tộc thiểu số. Việc bồi dưỡng kiến thức dân tộc, học tiếng dân tộc vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của mỗi sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp BĐBP đang công tác, tiếp xúc với đồng bào các dân tộc, góp phần làm tốt công tác vận động quần chúng ở khu vực biên giới.
Là lực lượng tiếp xúc, làm việc, công tác, lao động, sinh sống, gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh luôn xác định “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” và thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào). Hằng năm, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, lựa chọn, lập danh sách đúng đối tượng tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc, học tiếng dân tộc. Đồng thời, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong học tập, cập nhật kiến thức dân tộc thiểu số là một vấn đề rất quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là trong công tác vận động quần chúng; tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc ở khu vực biên giới.
Từ năm 2022 đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tổ chức được 4 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc và học tiếng dân tộc cho 216 đồng chí. Nội dung tập trung bồi dưỡng về công tác dân tộc thiểu số ở Việt Nam; quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về dân tộc thiểu số và các dân tộc thiểu số; pháp luật và chính sách của nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số vững mạnh; công tác quản lý nhà nước về văn hóa các dân tộc thiểu số; công tác quốc phòng, an ninh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi…
Thiếu tá Nguyễn Văn Mạnh, nhân viên Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tân Thanh cho biết: Qua tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc, học tiếng dân tộc giúp cho chúng tôi hiểu, nắm chắc về kiến thức dân tộc, vận dụng tốt vào chức trách, nhiệm vụ được giao; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, thế trận lòng dân, nền biên phòng toàn dân vững chắc.
Với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng địa bàn, từ đầu năm 2023 đến nay, các đồn biên phòng thuộc BĐBP tỉnh đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể các xã, thị trấn biên giới tổ chức biên soạn nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật lồng ghép bằng tiếng dân tộc tới đông đảo người dân ở khu vực biên giới được trên 560 buổi đến hơn 37.000 lượt người nghe; tuyên truyền nhỏ lẻ cho hơn 12.500 lượt người; phát trên các cụm loa truyền thanh của các xã, thị trấn và các đồn được trên 1.200 lần; phát trên loa kéo di động hơn 330 lần… Nội dung tập trung tuyên truyền, vận động người dân ở khu vực biên giới tích cực tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Luật Biên giới quốc gia; Luật Biên phòng Việt Nam; phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép… Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Ông Chu Văn Năm, thôn Nà Nưa, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định cho biết: Chúng tôi thường xuyên được cán bộ Đồn Biên phòng Pò Mã tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về những quy định trong khu vực biên giới; trách nhiệm của công dân tham gia quản lý, bảo vệ biên giới, tố giác tội phạm. Nhờ đó, người dân chúng tôi am hiểu, chấp hành nghiêm pháp luật, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế và tích cực tham gia với BĐBP trong quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc.
Thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục chú trọng công tác bồi dưỡng kiến thức dân tộc, học tiếng dân tộc cho đội ngũ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp. Qua đó, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Ý kiến ()