Bồi dưỡng chậm và vội, giáo viên khó khăn khi dạy học tích hợp
Việc bồi dưỡng giáo viên chậm chạp với thời gian ngắn hạn, chưa đáp ứng yêu cầu là vấn đề được giáo viên than phiền trong suốt năm học trước và tiếp tục tái diễn trong năm học 2022-2023 này.
Bước sang năm thứ hai học tích hợp ở bậc trung học cơ sở các môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học Tự nhiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng việc bồi dưỡng giáo viên vẫn được thực hiện một cách chậm chạp và chưa đáp ứng nhu cầu.
Giáo viên vừa học, vừa dạy
Suốt học kỳ vừa qua, nhiều giáo viên tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hùng Đức, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang vẫn vừa dạy học chương trình mới, vừa tranh thủ cuối tuần đi học bồi dưỡng về dạy học tích hợp. Dù đã sắp hết học kỳ 1 nhưng hiện trường vẫn còn 6 giáo viên chưa học xong.
Do giáo viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản các môn học tích hợp nên theo cô Khổng Thị Thái, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay thay vì một giáo viên đảm nhiệm cả môn tích hợp, trường vẫn phải phân công các giáo viên dạy riêng theo từng phân môn riêng lẻ. Điều này ít khó khăn hơn ở môn Lịch sử và Địa lý do chương trình thiết kế hai môn khá độc lập, chỉ có một số chuyên đề chung. Tuy nhiên, ở môn Khoa học Tự nhiên, ba phân môn Vật lý, Sinh học và Hóa học được tích hợp cao thành các chuyên đề, trong đó kiến thức môn Sinh học chiếm đến 60%.
“Cách làm này chỉ là giải pháp tình thế và tất nhiên sẽ gây khó khăn cho nhà trường trong việc bố trí thời khóa biểu cũng như không thể đảm bảo chất lượng như chương trình đề ra bằng việc một giáo viên có thể đảm nhiệm cả môn tích hợp. Tôi nghĩ đây cũng là khó khăn chung của nhiều trường trong điều kiện trình độ giáo viên chưa thể đảm nhiệm cả môn học,” cô Thái chia sẻ.
Nhưng ngay cả với những giáo viên đã hoàn thành chứng chỉ bồi dưỡng dạy tích hợp, việc soạn một bài giảng tích hợp cũng là khó khăn khi thời gian bồi dưỡng chỉ trong hai tháng. Vốn là giáo viên dạy Sinh học và chỉ được bồi dưỡng các môn Hóa học và Vật lý ngắn hạn nên cô Đinh Thị Mỹ Hạnh, (Trường Trung học cơ sở Thuần Mỹ, Hà Nội) cho hay khi dạy môn Khoa học Tự nhiên, cô phải vừa dạy, vừa tự tìm hiểu bố sung kiến thức để đáp ứng yêu cầu.
Tương tự, có 18 năm chỉ dạy môn Lịch sử, cô Ngô Thị Lan Anh, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) cho hay chỉ bồi dưỡng kiến thức môn Địa lý trong thời gian hai tháng không thể giúp cô tự tin đứng lớp dạy tích hợp hai môn. “Nếu để dạy sâu để cho các con hiểu thì đòi hỏi phải có sự đào tạo bài bản. Không được đào tạo bài bản thì với những câu hỏi khó của học sinh, giáo viên cũng khó khăn trong việc giải đáp thắc mắc của các em,” cô Lan Anh nói.
Đây cũng là thực tế được ông Trịnh Vĩnh Thanh, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp (Thành phố Hồ Chí Minh) thẳng thắn đưa ra tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh với Ủy ban Nhân dân quận Gò Vấp về tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025.
Theo ông Thanh, hiện giáo viên dạy môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở khi lên dạy thường trong tình trạng mong học sinh đừng hỏi câu hỏi nào quá hóc búa vì không được đào tạo để dạy tích hợp mà đội ngũ giáo viên đều được đào tạo các môn riêng qua tập huấn để dạy tích hợp. Do ở tâm thế “có hai, dạy một” nên giáo viên không thoải mái, tự tin khi đứng lớp.
Cần bồi dưỡng sớm và bài bản hơn
Để khắc phục những khó khăn trong dạy học tích hợp, các giáo viên và các nhà trường đã phải tự tìm nhiều giải pháp để nâng chất lượng đội ngũ.
Đầu năm học này, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) có 11 giáo viên của tổ Khoa học Tự nhiên nhưng chỉ có ba giáo viên được bồi dưỡng chứng chỉ dạy tích hợp. Để gỡ khó cho tổ của mình, cô giáo tổ trưởng Chu Thị Thu Hương phải soạn chủ đề để phân công mỗi giáo viên tự soạn bài theo từng chủ đề, sau đó các giáo viên dạy lại cho nhau.
“Chúng tôi tổng hợp chủ đề thành các kiến thức cơ bản, ngắn gọn, hoặc kiến thức cần chú ý và dành thời gian tranh thủ buổi tối giảng dạy online cho nhau,” cô Hương chia sẻ.
Tương tự, cô Nguyễn Ngọc Dung, Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) cho hay, nhà trường phải cố gắng động viên các thầy cô cũng như tổ chức nhiều hơn các buổi trao đổi chuyên môn để các thầy cô bồi dưỡng cho nhau, nhằm mang lại kết quả giáo dục tốt nhất có thể cho học sinh.
Tại quận Ba Đình (Hà Nội), bên cạnh việc các giáo viên tự bồi dưỡng cho nhau, theo ông Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho biết quận cũng đã mời các chuyên gia là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội về tập huấn dạy môn tích hợp cho giáo viên trên địa bàn.
Tuy nhiên, với đa số các nhà trường trên cả nước sẽ khó có được điều kiện thuận lợi như ở Thủ đô. Theo đó, việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên vẫn chỉ trông chờ vào các chương trình chính thức do ngành giáo dục triển khai.
“Chúng tôi đề nghị việc bồi dưỡng giáo viên cần được tổ chức sớm hơn, chậm nhất là trong dịp hè, để giáo viên có thời gian nghiên cứu, bổ sung kiến thức, chuẩn bị cho việc giảng dạy trước năm học mới,” cô Khổng Thị Thái, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hùng Đức nói./.
Ý kiến ()