Thứ 6, 22/11/2024 04:38 [(GMT +7)]
Bóc gỡ các băng nhóm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án
Thứ 6, 14/05/2010 | 14:08:00 [(GMT +7)] A A
Năm qua, lực lượng CSĐT tội phạm về TTXH cả nước tăng cường triệt phá các băng nhóm sử dụng vũ khí quân dụng, súng bắn đạn ghém, vật liệu nổ (VLN) và vũ khí tự chế gây án. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, các vụ án vẫn liên tiếp xảy ra đòi hỏi phải có biện pháp hữu hiệu, đồng bộ và kiên quyết hơn nữa chặn đứng tình trạng này.
Ba tháng đầu năm 2010, cả nước xảy ra 28 vụ dùng vũ khí quân dụng, VLN và súng bắn đạn ghém, súng tự chế cướp tài sản hoặc thanh toán mâu thuẫn giữa các băng nhóm, trả thù, bảo kê, đòi nợ thuê, chủ yếu xảy ra ở các thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. So với quý IV năm 2009, tình hình hạ nhiệt hơn, giảm năm vụ. Tuy nhiên, tính chất manh động, liều lĩnh của các băng nhóm, đối tượng vẫn chưa giảm. Điển hình là vụ hai nhóm đối tượng truy đuổi, dùng súng hoa cải tự chế và dao kiếm thanh toán lẫn nhau trên đường cao tốc Láng – Hòa Lạc, thuộc địa phận thôn Liệp Mai, Ngọc Liệp, Quốc Oai (Hà Nội); vụ Nguyễn Văn Hoàng tạm trú tại Bình Hưng (Bình Chánh) cùng Nghiêm Viết Hòa ở Gia Viên, Ngô Quyền (Hải Phòng) đến ngã ba đường Hồ Hảo Hớn, Bến Chương Dương, phường Cô Giang, quận 1 (TP Hồ Chí Minh) để giải quyết nợ tiền cá độ bóng đá, thì bị năm thanh niên đem theo ba mã tấu chém, Hoàng và Hòa bắn súng chống trả. Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ năm đối tượng, thu một khẩu súng Ru-lô, năm viên đạn, một kiếm. Các vụ án gây bức xúc dư luận bởi hành vi gây án diễn ra trắng trợn, sử dụng vũ khí ngang nhiên, đe dọa tính mạng người dân và gây mất ANTT địa bàn. Theo thống kê, số vụ trọng án liên quan vũ khí năm 2009 tăng 79 vụ so năm 2008. Mặc dù lực lượng chức năng tích cực vận động nhân dân giao nộp vũ khí, VLN, nhưng vẫn còn nhiều súng, lựu đạn, VLN tàng trữ trái phép và được lén lút mua bán tiềm ẩn nguy cơ phạm pháp nguy hiểm.
Nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng tội phạm sử dụng vũ khí, chất nổ thời gian qua phức tạp, gia tăng do liên quan trực tiếp đến hoạt động đánh bạc và tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá, tín dụng đen. Các đối tượng dùng vũ khí, chất nổ để đe dọa, buộc đối phương phải thanh toán tiền nợ. Ngoài ra, nhiều mâu thuẫn trong làm ăn giữa các băng nhóm cũng được giải quyết bằng vũ khí. Điển hình là vụ án ở cảng Làng Khánh, TP Hạ Long (Quảng Ninh), dùng súng bắn đạn hoa cải sát hại sáu người khi tranh giành lãnh địa khai thác than. Tại các tỉnh miền núi, án mạng thương tâm xảy ra từ mâu thuẫn bột phát mà hung khí chính là súng săn. Hiện nay, tình trạng dùng súng bắn đạn hoa cải, vũ khí tự chế để gây án phát sinh tại Hải Phòng, Quảng Ninh, nay đã lan ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Thực tế cho thấy, công tác quản lý chất nổ, vũ khí tự chế… còn lỏng lẻo, chưa có chế tài nghiêm khắc xử lý; có lúc chưa phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Thậm chí, việc theo dõi, quản lý, cấp giấy phép cho cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, sử dụng chất nổ và súng săn, súng thể thao, súng tự chế… có trường hợp chưa đúng đối tượng. Nhiều viên đạn loại “hoa cải” thu giữ được trong các vụ án mang nhãn hiệu Sông Thao do doanh nghiệp quốc phòng sản xuất dùng huấn luyện thể thao nhưng lại lọt ra ngoài, trở thành thủ phạm trong nhiều vụ án. Một số thiết bị, vật tư để sản xuất súng tự chế còn được bày bán công khai. Công an Hải Phòng từng bóc gỡ ổ nhóm chuyên chế tạo súng bắn đạn hoa cải, sản xuất đạn cung cấp cho bọn tội phạm do Phạm Cao Sơn cầm đầu, thu 39 khẩu súng bắn đạn hoa cải và nhiều báng súng, nòng súng cùng các bộ phận khác chưa kịp lắp ráp. Nghị định 47/CP của Chính phủ quy định vũ khí gồm có vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn, vũ khí thô sơ, nhưng trong Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ quy định và áp dụng chế tài xử lý hình sự đối với các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ. Do đó, đối tượng tàng trữ, sử dụng súng bắn đạn hoa cải, đạn ghém, súng tự chế, súng săn gây án không thể xử lý được về tội danh tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép. Chính chế tài xử lý quá nhẹ tạo kẽ hở, làm cho nguy cơ tiềm ẩn xảy ra các vụ án dùng súng, vũ khí, cháy nổ gây án càng nóng bỏng; trong khi thực tế nhiều vụ sát thương dã man, làm chết, trọng thương nhiều người từ các loại súng nói trên xảy ra.
Trước tình hình nói trên, Cục CSĐT tội phạm về TTXH (C14) Bộ Công an đã tăng cường điều tra cơ bản, rà soát các băng, nhóm tội phạm, khoanh vùng diện tội phạm, từ đó có kế hoạch đấu tranh, trấn áp kịp thời, tập trung tại các tuyến, địa bàn trọng điểm. Các trinh sát, điều tra viên của Cục phối hợp và trực tiếp truy bắt nhiều đối tượng gây án, truy xét làm rõ một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể là phối hợp Công an Hải Dương, Quảng Ninh và Hải Phòng khám phá thành công Chuyên án 309S, triệt phá năm băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, làm rõ 23 vụ án, khởi tố 89 đối tượng; vận động nhân dân giao nộp và thu hồi 1.746 khẩu súng các loại; 4.120 vũ khí thô sơ, 2.868 kg thuốc nổ, 20 quả mìn, tám súng bắn điện… góp phần ổn định tình hình ANTT trên địa bàn; kịp thời ngăn chặn một số vụ việc, không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp C14 đấu tranh làm rõ vụ án giết người xảy ra tại thôn Lục Chắn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái, bắt giữ năm đối tượng, trong đó có tên cầm đầu Nguyễn Tiến Phương (tức Phương Linh hột), truy nã bốn đối tượng. Nhiều vụ án đã được điều tra khám phá nhanh, thu hồi nhiều vũ khí, khẩn trương đưa ra xét xử điểm đã có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm.
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự đặt ra nhiều thách thức, trong đó việc ngăn chặn, phát hiện và kiềm chế tội phạm sử dụng vũ khí quân dụng, súng bắn đạn ghém, VLN và vũ khí tự chế càng trở nên bức thiết. Điều đó đòi hỏi phải tăng cường quản lý chặt chẽ hơn nữa vũ khí, VLN; kiểm soát chặt nguồn vũ khí từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam; vận động toàn dân thu hồi, giao nộp vũ khí, VLN; đồng thời xử lý kiên quyết các đối tượng vi phạm. Mỗi người dân hãy “nói không” với các loại vũ khí, VLN, chủ động báo tin cho lực lượng công an khi phát hiện các đối tượng buôn bán, tàng trữ vũ khí, VLN trái phép. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả đấu tranh cần chuẩn hóa các quy định pháp luật liên quan nhằm nghiêm trị đối tượng phạm tội, đặc biệt là hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển và mua bán trái phép các loại súng săn, súng bắn đạn hoa cải, súng ám sát dạng bút bi. Ngày 25-6-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý vũ khí, VLN, công cụ hỗ trợ, bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới; trong đó giao Bộ Công an phối hợp các cơ quan hữu quan ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý hình sự các vi phạm về sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, VLN, công cụ hỗ trợ; tập trung các loại súng săn, súng tự chế, thuốc nổ tự chế, vũ khí thô sơ mà trong Bộ luật Hình sự chưa quy định cụ thể. Đồng thời, cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 47/CP của Chính phủ hoặc ban hành Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, VLN để tạo cơ sở pháp lý, xử lý nghiêm hơn nữa các hành vi buôn bán, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí tự chế, VLN; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()