Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng chống bệnh cúm mùa
Từ đầu tháng Bảy đến nay, số ca nhập viện do mắc bệnh cúm có xu hướng tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối và một số tỉnh, thành phố; trong đó có tới hơn 97% là các trường hợp nhiễm cúm A.
Bộ Y tế cho biết theo báo cáo của Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong thời gian gần đây, số trường hợp mắc bệnh cúm không có sự khác biệt so với những năm trước đây.
Tuy nhiên trong thời điểm từ đầu tháng 7/2022 đến nay, số ca nhập viện có xu hướng tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối và một số tỉnh, thành phố. Trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A (chiếm 97,6% số trường hợp dương tính với cúm theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương).
Từ đầu năm 2022 đến nay, số mắc cao nhất trong tháng Ba (37.442 trường hợp mắc), tháng Hai (28.199 trường hợp mắc), tháng Tư (21.992 trường hợp mắc). Số mắc cúm ghi nhận chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc.
Theo Bộ Y tế, hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A).
Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo:
Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Thanh Hóa tăng cường phòng, chống các dịch bệnh mùa hè
Thời điểm này, tại Thanh Hóa, thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm có chiều hướng gia tăng. Ghi nhận tại nhiều bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện, số bệnh nhân mắc các bệnh mùa hè có biểu hiện tăng trong những ngày gần đây với bệnh thường gặp như: Sốt virus, say nắng, sốc nhiệt, viêm phế quản, viêm phổi, đột quỵ, tiêu chảy, viêm não, sởi, thủy đậu, sốt xuất huyết…
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, hơn một tuần qua, số bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú tăng mạnh. Mỗi ngày có hơn 1.000 bệnh nhân đến khám với các bệnh gồm đột quỵ, sốt virus, đau đầu, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa… Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có từ 1.600-1.800 bệnh nhân điều trị nội trú, tập trung đông nhất ở các Khoa Tiêu hóa, Thần kinh, Hô hấp, Lão khoa…
Tương tự, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tuần qua luôn trong tình trạng quá tải. Số giường thực kê tại khoa là 70 giường bệnh nhưng có tới gần 160 bệnh nhân đang điều trị nội trú với các bệnh lý chủ yếu ở trẻ thời điểm này là viêm phổi, viêm phế quản, cúm… Nhiều trẻ bị bệnh do phụ huynh để nhiệt độ điều hòa trong phòng chênh lệch quá lớn với nhiệt độ ngoài trời.
Theo bác sỹ Phùng Đức Toàn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, để bảo vệ sức khỏe cho con em, các bậc cha mẹ cần thực hiện vệ sinh môi trường, dinh dưỡng hợp lý, giúp cơ thể trẻ đủ sức chống lại bệnh tật. Đặc biệt, cần tập cho trẻ thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, đây là một việc làm đơn giản nhưng hiệu quả phòng, chống bệnh mùa hè rất cao.
Để chủ động phòng, chống, ngành Y tế đang giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, yêu cầu các đơn vị rà soát, bổ sung trang thiết bị, hóa chất, vật tư, thuốc phòng chống dịch, sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh. Các đơn vị thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm ca bệnh.
Các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh chuẩn bị tốt công tác thu dung, điều trị bệnh nhân, phòng tránh lây nhiễm chéo; đồng thời tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng, chống cúm mùa, COVID-19 và bệnh bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác trên phương tiện thông tin đại chúng.
Đáng lưu ý, sau một thời gian dịch COVID-19 giảm mạnh, hiện mỗi ngày, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận từ 50-100 ca mắc mới, trong đó có 53 trường hợp có triệu chứng vừa và nặng đang được điều trị tại các cơ sở y tế.
Ông Nguyễn Bá Cẩn, Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, việc chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn xử lý kịp thời, không để dịch bùng phát, nâng cao năng lực điều trị ở tất cả các tuyến, đáp ứng các cấp độ điều trị trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phòng, chống dịch bệnh trong mùa hè này.
Bên cạnh nỗ lực của ngành y tế, người dân cần tích cực hơn nữa trong công tác phòng, chống các dịch bệnh mùa hè như thực hiện tiêm chủng đối với những bệnh có thể phòng được bằng cách tiêm chủng. Các bệnh chưa có vaccine phòng ngừa, người dân thực hiện nghiêm theo khuyến cáo của ngành y tế trong việc phòng bệnh./.
Ý kiến ()