Bộ Y tế khẳng định có đủ thuốc tamiflu để điều trị bệnh cúm
Trước lo lắng của người dân về tình trạng thiếu thuốc tamiflu để điều trị cúm, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định qua đánh giá sơ bộ từ số lượng nhập khẩu, hiện đủ khả năng cung ứng thuốc tamiflu cho nhu cầu sử dụng thuốc trong bối cảnh hiện tại ở nước ta.
Trước tình hình số người nhiễm cúm gia tăng cao khiến nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng thiếu thuốc tamiflu điều trị cúm, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, cho biết để đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân, Cục Quản lý Dược đã chủ động chỉ đạo các doanh nghiệp dược phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để kịp thời dự báo nhu cầu sử dụng thuốc, làm cơ sở cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động kế hoạch cung ứng thuốc.
Qua đánh giá sơ bộ từ số lượng nhập khẩu, hiện khả năng cung ứng thuốc tamiflu là đủ để cung ứng cho nhu cầu sử dụng thuốc trong bối cảnh hiện tại ở nước ta. Tuy nhiên, ông Đông cũng yêu cầu các đơn vị sử dụng cần chủ động dự trù, đặt hàng dự trữ tồn kho với các cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu để có kế hoạch cung ứng thuốc kịp thời, tránh trường hợp khi không có dịch không dự trữ, đến khi có dịch không kịp nhập khẩu.
Bộ Y tế khẳng định không thiếu thuốc tamiflu. Ảnh: TL Theo ông Đỗ Văn Đông, thuốc tamiflu chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75mg đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam và không phải thuốc thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Theo quy định hiện hành, thuốc được nhập khẩu mà không phải thực hiện việc cấp phép nhập khẩu nên không bị giới hạn về số lượng thuốc nhập khẩu và được nhập khẩu theo nhu cầu thị trường.
Cục Quản lý dược khuyến cáo, thuốc tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe. Do đó, khi có triệu chứng nghi là bệnh cúm hoặc nghi ngờ tiếp xúc với bệnh nhân bị cúm, người dân nên đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám, kê đơn và hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả.
Hơn nữa, thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir không thay thế cho việc tiêm vaccine phòng cúm. Do đó, hằng năm người dân nên đến cơ sở tiêm chủng để tiêm vắc xin phòng cúm mùa.
Lạm dụng, sử dụng thuốc không đúng dễ khiến kháng thuốc
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virut cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C.
Nếu bệnh nhân là người lớn thì có thể hồi phục trong vòng từ 2-7 ngày. Tuy nhiên, với trẻ em, người già, người có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch, sẽ diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Trước thông tin hoang mang về việc thiếu thuốc kháng virut đặc trị cúm, BS.Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, Bệnh viện vẫn còn thuốc tamiflu, nhưng không phải bệnh nhân nào cũng cần dùng loại thuốc này.
“Tamiflu được khuyến cáo nên sử dụng sớm nhất trong vòng 48 tiếng kể từ khi bệnh nhân có triệu chứng khởi phát, bởi vì dùng muộn thì sẽ giảm hiệu quả đi rất nhiều. Mặt khác, sử dụng tamiflu phải đúng chỉ định để tránh tình trạng kháng thuốc xảy ra. Ví dụ, dùng tamiflu trong cúm B là không đúng chỉ định, nên chỉ sử dụng trong những trường hợp cúm A, và cúm A trên những cơ địa đặc biệt, ví dụ như bệnh nhân có nguy cơ tiến triển bệnh nặng như trên nền có bệnh lý nền là tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc là những bệnh nhân suy giảm miễn dịch có chỉ định dùng tamiflu. Còn dùng quá tràn lan thì có nguy cơ gây kháng thuốc rất cao và gây khó khăn cho việc điều trị sau này” – BS. Hải Ninh khuyến cáo.
BS. Đỗ Thiện Hải – Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết, khi trẻ được chẩn đoán mắc cúm thông thường, không nhất thiết phải nhập viện mà có thể chăm sóc tại nhà. Nếu chúng ta chăm sóc trẻ tốt, thường trẻ bị cúm sẽ không bội nhiễm thêm vi khuẩn thì sẽ không phải sử dụng thêm kháng sinh bởi vì về bản chất, thuốc kháng sinh vừa không có tác dụng đối với các loại virut gây bệnh cúm vừa khiến cho trẻ dễ dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh.
“Cha mẹ lưu ý vệ sinh đường hô hấp bằng dung dịch nước muối sinh lý cho trẻ. Đồng thời, khi có con bị cúm nhẹ không nhất thiết phải dùng thuốc kháng virut tamiflu vì thuốc tamiflu không phải là thuốc bắt buộc phải có để điều trị các trường hợp cúm mùa thông thường, chỉ trong một số trường hợp cúm nặng thì có thể nên sử dụng. Với trường hợp mắc một số chủng cúm nặng, nguy cơ viêm phổi, suy hô hấp hoặc bị cúm trên nền bệnh khác, ví dụ hen phế quản, thì gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và quyết định cho trẻ nhập viện hay không. Lúc này bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định dùng thuốc phù hợp” – BS. Hải nói.
Liên quan đến dịch bệnh cúm hiện nay, theo cảnh báo của Bộ Y tế hiện dịch cúm trên thế giới diễn biến phức tạp. Ở nước ta, tình hình bệnh cúm tại nhiều địa phương cũng gia tăng, số phải nhập viện tăng cao ở một số bệnh viện tuyến cuối.
Để chủ động ứng phó với dịch cúm, không để dịch lan rộng kéo dài, gây quá tải, cũng như tình trạng lây chéo trong bệnh viện, Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các địa phương khẩn trương đẩy mạnh việc tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh cúm; phát hiện sớm, cách ly, điều trị tại nhà, đến cơ sở y tế khi có diễn biến nặng. Các bệnh viện tổ chức tốt công tác phân luồng khám bệnh, cấp cứu, thiết lập khu vực riêng để điều trị cho người bệnh cúm, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm. Kiểm soát chặt và chỉ định dùng thuốc kháng virut, tránh tình trạng khan hiếm ảo và tình trạng kháng thuốc.
Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, để chủ động giám sát sự lưu hành và biến đổi của các chủng virut cúm ở nước ta, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia và đã thiết lập hai Trung tâm cúm quốc gia tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh. Đến nay, hai Trung tâm cúm quốc gia này đều có khả năng xét nghiệm phát hiện các chủng virut cúm, kể cả chủng virut cúm có độc lực cao. “Hiện chưa phát hiện thấy chủng virut cúm mới cũng như sự đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virut cúm lưu hành trên người tại Việt Nam và cũng chưa phát hiện thấy các chủng virut mới (lạ) nào tại Việt Nam” – Cục trưởng Trần Đắc Phu khẳng định./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()