Bộ Y tế: Đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới
Chuyên gia của WHO bày tỏ mối lo ngại về thuốc lá thế hệ mới đang thu hút giới trẻ và có thể làm ảnh hưởng đến tương lai của cả một thế hệ nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Ước tính số người đang hút thuốc lá tại Việt Nam khoảng 15,4 triệu người, trong đó có 14,8 triệu người là nam và 603.000 người là nữ. Đáng lưu ý khi thời gian gần đây tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử đang ngày càng gia tăng một cách đáng báo động.
Thông tin tại hội thảo thông tin về thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam, diễn ra ngày 23/11, đại diện Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho hay gánh nặng về kinh tế do sử dụng thuốc lá tại Việt Nam khá nhiều, mỗi năm người Việt chi 49.000 tỷ đồng để mua thuốc lá (ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020).
Thuốc lá điện tử: Ẩn họa khó lường
Tại hội thảo, bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm – chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam bày tỏ mối lo ngại về thuốc lá thế hệ mới đang thu hút giới trẻ và có thể làm ảnh hưởng đến tương lai của cả một thế hệ nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm phân tích thuốc lá thế hệ mới chứa nhiều chất độc giống như thuốc lá truyền thống.
“Gần đây có thông tin đưa ra con số thuốc lá điện tử giảm hại 95% chỉ là do một nhóm các chuyên gia tự phong đưa ra, mà không có bằng chứng đáng tin cậy nào. WHO trong tuyên bố ngày 27/7/2020 nêu rõ việc giảm phơi nhiễm một số hóa chất trong khói thuốc lá nung nóng (HTPs) so với thuốc lá không đồng nghĩa giảm nguy cơ sức khỏe với con người. Mặt khác, một số chất độc trong khói HTPs còn cao hơn so với trong khói thuốc thông thường và còn có một số hóa chất mới không có trong khói thuốc thông thường.”
Ông Lâm cũng dẫn chứng về thực tế thuốc lá điện tử liên quan đến các ca bị tổn thương nhu mô phổi tăng. Đó là trường hợp một phụ nữ 47 tuổi bị viêm phổi tăng bạch cầu ái toan cấp tính, sau khi chuyển từ hút thuốc lá truyền thống sang sử dụng HTPs, vì các triệu chứng hô hấp như ho, sốt nhẹ và các bất thường trên X-quang phổi xảy ra ngay sau khi chuyển đổi thói quen hút thuốc. Tình trạng bệnh nhân được cải thiện sau khi ngừng sử dụng HTPs và được điều trị bằng thuốc.
Một trường hợp khác là thanh niên 16 tuổi viêm phổi tăng bạch cầu cấp tính mức độ nặng sau sử dụng thuốc lá nung nóng 2 tuần, với triệu chứng khó thở nặng dần. Bệnh nhân được chuyển đến khoa cấp cứu một bệnh viện và được đặt nội khí quản, thở máy, chạy ECMO do suy hô hấp nặng, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi cấp.
Vị chuyên gia của WHO cũng chỉ rõ trong quá trình sử dụng, các thiết bị trong thuốc lá điện tử có thể hỏng, lỗi và gây nổ từ đó gây tổn thất tài sản và là nguy cơ gây chấn thương nghiêm trọng cho người dùng ở miệng, mặt, cổ, mắt mũi, xương hàm. Có trường hợp một pin thuốc lá điện tử nổ trong miệng thanh niên 17 tuổi khiến phải phẫu thuật cố định xương, loại bỏ răng và mô hỏng.
Bác sỹ Lâm cũng chỉ rõ thuốc lá điện tử tạo nồng độ nicotine cao và ảnh hưởng xấu tới sự phát triển não trẻ em, vị thành niên. Trong khi đó với mỗi người, não tiếp tục phát triển đến 25 tuổi. Thêm vào đó, nicotine có thể đi qua nhau thai và được cung cấp trong thời kỳ mang thai dẫn đến nhiều hậu quả bất lợi, bao gồm hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, giảm thính lực và béo phì.
“Sử dụng nicotine ở tuổi thiếu niên gây hại cho các phần của não kiểm soát sự chú ý, học tập, tâm trạng. Sử dụng nicotine ở tuổi vị thành niên cũng có thể làm tăng nguy cơ nghiện các chất gây nghiện khác trong tương lai,” bác sỹ Tuấn Lâm cảnh báo.
Nỗi lo gánh nặng kinh tế
Bà Nguyễn Thị Thu Hương – Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), cho hay tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, đặc biệt là nam giới. Đáng lo ngại hiện nay có nhiều sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện như thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá hút Shisha) được bán tràn lan trên mạng xã hội.
“Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử năm 2020 chung trên toàn quốc tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%), trong đó nam giới tăng 14 lần (từ 0,4% lên 5,6%), nữ giới tăng 10 lần (từ 0,1% lên 1%),” bà Hương nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030, co số này sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Hiện có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Nghiên cứu của Bệnh viện K cho thấy tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra trên thế giới khoảng 1-2% GDP, tại Việt Nam khoảng 1% GDP.
Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.
Nhiều thống kê cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới ở ở các thành phố có xu hướng tăng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, giới trẻ.
Nghiên cứu của Hội Y tế công cộng Việt Nam năm 2020 cho thấy tỷ lệ thanh thiếu niên 15-24 tuổi ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang sử dụng thuốc lá điện tử trong năm 2020 là khá cao, với tỷ lệ chung là 7,3%, tỷ lệ này ở nam giới là 9,1% và nữ giới là 4,6%; phần lớn người sử dụng thuốc lá điện tử nằm ở độ tuổi 18-24.
Nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Hà Nội, năm 2020 do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020 cho thấy tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở học sinh lớp 10-12 là 12,6% .Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường.
Đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới
Bàn về một số vấn đề pháp lý liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam, bà Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nhấn mạnh hiện nay Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Việc cho phép thí điểm lưu hành thuốc lá mới có những tác động tiêu cực, đặc biệt là tăng chi phí quản lý và tổ chức thực hiện. Khi đó, Nhà nước cần phải đầu tư nhân lực, năng lực quản lý, giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh do thuốc lá mới, đặc biệt là hành vi, lối sống tệ nạn của giới trẻ, từ đó gây tăng chi phí quản lý nhà nước, nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý.
“Về kinh tế, việc cho phép nhập khẩu thuốc lá mới không chống thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước mà ngược lại nhà nước sẽ bị giảm nguồn thu thuế do sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước bị kiểm soát, khống chế sản lượng tiêu thụ, mức thu thuế trong tổng cho phép. Việt Nam hiện không sản xuất thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nên việc cho phép nhập khẩu các sản phẩm này chỉ có các các sản phẩm nhập khẩu của doanh nghiệp thuốc lá nước ngoài.” Bà Trang chỉ rõ.
Do đó, nguồn thu không tăng mà còn tăng chi ngân sách đối với an sinh xã hội, giải quyết gánh nặng bệnh tật, tử vong do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Các chi phí mà Nhà nước và người dân phải gánh chịu khi cho phép lưu hành, sử dụng các sản phẩm độc hại này bao gồm sức khỏe người dân đặc biệt là thanh thiếu niên – thế hệ tương lai của đất nước, kinh tế, xã hội và môi trường là vấn đề lớn mà ngay cả các nước đang cho sử dụng sản phẩm này cũng chưa thể tính toán hết được.
Vì vậy, bà Trang cho hay định hướng đề xuất chính sách của Bộ Y tế là nhất quán quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam là không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới vì các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe./.
Ý kiến ()