Bộ Xây dựng chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy nhanh việc cổ phần hóa
Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thực thuộc Bộ. Theo đó, trong 8 tháng năm 2015, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo cổ phần hóa các doanh nghiệp theo lộ trình đã được phê duyệt.
Tổng công ty Viglacera (Bộ Xây dựng) có sức mạnh mới |
Theo kế hoạch phê duyệt, tính đến hết năm 2015 có 170 danh mục cần thoái vốn với giá trị 5.256,4 tỷ đồng, bao gồm 159 danh mục thoái 100% vốn với giá trị 4.874,4 tỷ đồng và 11 danh mục thoái vốn một phần với giá trị 382 tỷ đồng.
Tính đến ngày 15/8, Bộ Xây dựng đã thực hiện thoái vốn thành công tại 51 danh mục với giá trị đầu tư 1.301,9 tỷ đồng, giá trị thực tế thu về 1.325,6 tỷ đồng, đạt 25,2% kế hoạch đề ra. Hiện nay, các đơn vị đang tiếp tục thực hiện thoái vốn tại 25 danh mục, với giá trị 1.763,8 tỷ đồng, chiếm 33,5% kế hoạch thoái vốn.
Theo kết quả rà soát, nhiều Tổng công ty đã triển khai thực hiện tốt công tác thoái vốn theo đề án đã được phê duyệt như: Tổng công ty Sông Đà, LILAMA, HANCORP, IDICO và COMA. Tuy nhiên, vẫn còn một số Tổng công ty còn chậm triển khai công tác thoái vốn như: Tổng công ty Bạch Đằng, FICO, HUD.
Dù Bộ Xây dựng đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc các Tổng công ty khẩn trương hoàn thành việc thực hiện thoái vốn và xây dựng lộ trình thoái vốn, nhưng kết thúc năm 2015 sẽ khó hoàn thành kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do tình hình thị trường chứng khoán ảm đạm, nhiều khoản đầu tư kém hiệu quả, không có nhà đầu tư quan tâm nên rất khó khăn trong việc tìm kiếm người mua.
Để đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn, giải quyết những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung những chính sách liên quan:
Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2011/ ngày 18/7/2011 về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần trong đó cho phép doanh nghiệp cổ phần hóa được giữ lại Quỹ dự phòng giảm giá các khoản nợ phải thu khi xác định giá trị doanh nghiệp.
Loại trừ các khoản phải thu về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp không còn khả năng thu hồi.
Sử dụng lợi nhuận bình quân của 5-10 năm trước khi cổ phần hóa để tính lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp.
Người đại diện phần vốn của Công ty mẹ tại doanh nghiệp khác mà chưa được mua cổ phần ưu đãi tại doanh nghiệp đó thì được mua cổ phần ưu đại tại Công ty mẹ khi cổ phần hóa.
Có hướng dẫn cụ thể hơn phương pháp định giá đối với các khoản đầu tư vào doanh nghiệp chưa niêm yết, doanh nghiệp bị sàn giao dịch hủy niêm yết phù hợp với thị trường…
Đối với các khoản đầu tư có giá trị nhỏ (dưới 01 tỷ đồng) thì không nhất thiết phải thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá khởi điểm để đấu giá mà nên giao cho chủ sở hữu quyết định trên cơ sở không thấp hơn giá trị sổ sách của khoản đầu tư trừ đi số đã trích lập dự phòng (nếu có), do đối với các khoản đầu tư nhỏ thì chi phí thuê tư vấn thẩm định giá chiếm một tỷ trọng khá lớn so với giá trị khoản đầu tư.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()