Bộ Tư pháp sơ kết thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý
LSO-Sáng 17/1/2014, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý.
Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo hội nghị. Phía điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Sở Tư pháp, lãnh đạo một số sở, ngành và các tổ chức chính trị xã hội tham dự.
![]() |
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn |
Qua 2 năm thực hiện Chiến lược, đến nay, các địa phương trên toàn quốc đã thành lập được 199 chi nhánh đặt tại huyện, tăng 15% so với trước khi có Chiến lược; 4.345 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở cơ sở; 293 tổ và 230 điểm trợ giúp pháp lý. Các tổ chức trợ giúp pháp lý đã thực hiện trợ giúp được 231.830 vụ việc, tăng 18%/năm so với năm 2011. Tổng số người được trợ giúp pháp lý trong 2 năm là 240.176 người, trong đó người nghèo chiếm 38,9%, dân tộc thiểu số 17,8%, người có công 14,2%, người già và trẻ em 5%, người khuyết tật 0,2%… Hoạt động trợ giúp pháp lý ở cơ sở đã trở thành cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội, có tác động tích cực đến việc tổ chức thực hiện pháp luật và đưa pháp luật vào cuộc sống. Hội nghị đã có nhiều thảo luận, đóng góp ý kiến để nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân trong công tác trợ giúp, những tồn tại, bất cập, giải pháp trợ giúp pháp lý, huy động nguồn lực tài chính, xã hội hóa công tác trợ giúp…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Uông Chu Lưu đã biểu dương, ghi nhận những nỗ lực và kết quả của công tác trợ giúp pháp lý trong 2 năm qua. Đồng thời, chỉ ra những hạn chế như: xã hội hóa trợ giúp pháp lý còn chậm, nhận thức chưa đầy đủ, chưa chú trọng đến chất lượng… Qua đó, đồng chí chỉ đạo ngành tư pháp cần nghiên cứu, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ về đổi mới, hoàn thiện chính sách trợ giúp pháp lý phù hợp với định hướng phát triển của nhà nước; đáp ứng tốt hơn nhu cầu trợ giúp pháp lý của người nghèo và đối tượng chính sách, đảm bảo người nghèo, đối tượng chính sách được bình đẳng, công bằng về pháp luật…; quan tâm rà soát mạng lưới các tổ chức trợ giúp pháp lý để có biện pháp nâng cao hoạt động; tập trung trợ giúp pháp lý cho các vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh phối hợp với Viện Kiểm sát tối cao, Toà án Nhân dân tối cao, các cơ quan liên quan để thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý trong thời gian tới.
LÂM GIANG
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()