Bộ Tư pháp: Nghiên cứu về quyền của người trúng đấu giá biển số xe đẹp
Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết Bộ Công an đang chủ trì xây dựng dự thảo nghị quyết về đấu giá biển số xe, trong đó sẽ nghiên cứu về quyền của người trúng đấu giá.
Chiều 27/4, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo, thông tin về một số kết quả công tác tư pháp quý 1 và nhiệm vụ trọng tâm quý 2/2022. Tại cuộc họp báo, đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời nhiều vấn đề mà báo chí quan tâm.
Liên quan đến đề xuất đấu giá biển số xe đẹp vừa được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) khẳng định theo quy định của pháp luật, việc đấu giá biển số xe đẹp không có vướng mắc gì.
Khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản đã quy định rõ các loại tài sản được đưa ra đấu giá. Nếu coi biển số xe là một loại tài sản và theo quy định của pháp luật chuyên ngành phải bán dưới hình thức đấu giá, thay cho việc bốc ngẫu nhiên như hiện nay, thì sẽ thực hiện theo trình tự thủ tục của Luật Đấu giá tài sản.
Về việc người trúng đấu giá biển số xe đẹp có được phép mua bán, chuyển nhượng hay không, bà Nguyễn Thị Mai cho biết Bộ Công an đang chủ trì xây dựng dự thảo nghị quyết về đấu giá biển số xe, trong đó sẽ nghiên cứu về quyền của người trúng đấu giá. Vấn đề này đang được Bộ Công an lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành.
Theo Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, dưới góc độ pháp luật, việc chuyển nhượng biển số xe đang “vướng” ở chỗ Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định cấm mua bán, chuyển nhượng biển số xe. Vì thế, Bộ Công an phải xây dựng nghị quyết, trong đó sẽ giải quyết vấn đề quyền của người trúng đấu giá biển số xe.
Bà Nguyễn Thị Mai nhấn mạnh biển số xe là một loại tài sản đặc biệt, có tính đặc thù, bởi ngoài chức năng tài sản thì đây còn là công cụ để quản lý giao thông đường bộ. Vì vậy, quyền sở hữu đối với biển số xe bị hạn chế bởi Luật Giao thông đường bộ năm 2008, bằng việc nghiêm cấm mua bán.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an đang xây dựng hai dự án luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Các cơ quan có thể sẽ tính toán việc sửa đổi quy định về quyền định đoạt đối với biển số xe cho phù hợp.
Trả lời câu hỏi về tiến độ xác minh giải quyết và quan điểm của Bộ về vụ một trưởng khoa của Đại học Luật Hà Nội bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm tư cách, đạo đức nhà giáo, bà Bùi Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết cơ quan này đã nắm được thông tin.
“Bộ Tư pháp đã chỉ đạo nhà trường tiếp tục tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công tác quản lý giảng viên, viên chức, sinh viên của trường. Bộ yêu cầu Đại học Luật Hà Nội khẩn trương giải quyết nội dung tố cáo và xử lý nghiêm các sai phạm nếu có, không bao che, dung túng,” bà Bùi Thị Thủy nhấn mạnh.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp cho hay sau khi nhà trường có kết quả giải quyết, Bộ sẽ thông tin chính thức với báo chí.
Tại cuộc họp báo, thông tin về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp quý 2/2022, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết toàn ngành tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao liên quan đến Đề án xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương ban hành “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027.”
Toàn ngành tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao năm 2022; tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài; chủ động, tích cực tổ chức thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế để thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước…/.
Ý kiến ()