Bộ Tư pháp hoàn thành 66/114 nhiệm vụ được giao trong 6 tháng năm 2019
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 114 nhiệm vụ, đã hoàn thành 66 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 48 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn.
Lãnh đạo các Cục, Vụ trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo. |
Cụ thể, trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã tích cực xây dựng, hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua.
6 tháng đầu năm, toàn ngành tư pháp đã thẩm định 2.853 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, Bộ Tư pháp trực tiếp thẩm định 105 dự thảo.
Việc triển khai các luật, nghị quyết do Quốc hội mới ban hành được các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện. Qua đó có phản ứng chính sách kịp thời với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Kết quả thi hành án dân sự những tháng đầu năm 2019 về cơ bản đạt tiến độ. Cụ thể là đã thi hành xong 336.404 việc (đạt 60,24%) với gần 23.900 tỷ đồng (đạt 16,01%).
Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của Bộ Tư pháp tăng 1 bậc, xếp thứ 3/18 bộ, ngành được đánh giá.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cho biết bộ đang chủ trì, tiến hành sửa đổi, bổ sung một số đạo luật lớn, quan trọng như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp…
Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Tư pháp đang tham mưu và trực tiếp thực hiện (khi được uỷ quyền) về giải pháp cải thiện Chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng và Chỉ số phá sản doanh nghiệp; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện, nâng xếp hạng các Chỉ số “Chi phí tuân thủ pháp luật”, nhằm tạo điều kiện và môi trường kinh doanh thuận lợi…
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tiếp tục tập trung chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương thực hiện ngay một số công việc trong Quý III/2019 để các tổ chức quốc tế, tổ chức tham vấn của World Bank, doanh nghiệp, luật sư tiếp cận với các thông tin về hoạt động của Bộ Tư pháp phục vụ cho việc khảo sát môi trường kinh doanh mà World Bank đang tiến hành, cụ thể: Công bố công khai quy trình (bao gồm thời gian) thi hành án trên trang web của Bộ Tư pháp và đề xuất Tòa án nhân dân tối cao phối hợp đăng tải, thông tin về các giải pháp đã thực hiện nhằm hiện đại hóa quy trình thi hành án; giản lược thời gian, thủ tục thi hành án; đẩy mạnh truyền thông về các hoạt động, giải pháp đã thực hiện nhằm hoàn thiện thể chế về trọng tài, hòa giải thương mại, quản tài viên và các giải pháp triển khai thi hành pháp luật có hiệu quả; công khai thông tin giao dịch bảo đảm được đăng ký tại các Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản; các hoạt động đang thực hiện nhằm hoàn thiện thể chế về giao dịch bảo đảm; tăng cường năng lực cho các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án (trọng tài thương mại, hòa giải), đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền về các hình thức giải quyết tranh chấp này; tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ của chấp hành viên, luật sư, trọng tài viên, hòa giải viên, quản tài viên.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Bộ Tư pháp trong việc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà tại một số dự án nhà ở của Tập đoàn Mường Thanh mà cơ quan này đã cấp cho người dân, đại diện Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, theo quy định của Luật Đất đai, cơ quan nào cấp Giấy chứng nhận thì cơ quan đấy có quyền thu hồi, nếu có đủ căn cứ theo quy định.
Tuy nhiên, cần phân biệt rạch ròi giữa quyền sở hữu nhà hợp pháp của người dân với trách nhiệm pháp lý của chủ đầu tư dự án, nếu có sai phạm.
Theo đó, việc cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính thu hồi Giấy chứng nhận sở hữu nhà của người dân mà sai hoặc người dân thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng thì có quyền khiếu nại quyết định thu hồi đó hoặc khởi kiện quyết định hành chính và người ký ban hành quyết định hành chính đó ra Toà án để bảo đảm quyền lợi cho mình.
Về câu hỏi việc xử lý khiếu nại của TS. Lê Đình Vinh, người tham gia thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Đại học Luật năm 2015 và được thông báo trúng tuyển nhưng sau đó bị huỷ kết quả trúng tuyển, đại diện Thanh tra Bộ Tư pháp cho biết, đã gặp gỡ, làm việc với ông Lê Đình Vinh về vấn đề này. Trước mắt, hai bên đã tạm thời thống nhất được một số nội dung cho vấn đề đã gây ồn ào dư luận suốt 4 năm qua…
Ý kiến ()