Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: 'Báo chí cần đề cao điều thiện, chống cái ác'
Trước việc nhiều cơ quan báo chí bị xử lý kỷ luật, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định, các cơ quan quản lý điều hành bằng pháp luật, không đi ngược với chủ trương tự do ngôn luận.
Thời gian gần đây, nhiều cơ quan báo chí bị xử phạt, nhắc nhở, một số tổng biên tập bị đình chỉ chức vụ do có sai phạm. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã trao đổi với báo chí về việc các cơ quan báo chí cần hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; các phóng viên, nhà báo phải giữ vững đạo đức người làm báo.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. |
Về việc thời gian gầy đây, nhiều cơ quan báo chí bị “tuýt còi,” Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, bên cạnh sự đóng góp to lớn và tích cực của báo chí vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một số cơ quan báo chí hoạt động sai tôn chỉ mục đích, một bộ phận người làm báo thoái hóa về đạo đức và có khuynh hướng “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa,” vô tình hoặc hữu ý tiếp tay cho các thế lực thù địch chống chế độ và có một số biểu hiện vi phạm pháp luật.
Đáng chú ý là tình trạng báo chí câu kết với doanh nghiệp đưa ra những thông tin không đúng sự thật hoặc sự thật bị bóp méo, bị cắt xén phục vụ cho việc cạnh tranh không lành mạnh, làm méo mó môi trường kinh doanh, gây hại cho người tiêu dùng. Vụ đưa tin sai sự thật về nước mắm nhiễm thạch tín “vượt ngưỡng cho phép” là biểu hiện nghiêm trọng của tình hình này.
Ông cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp điều tra những sai phạm của tổ chức, cá nhân quanh việc khảo sát và công bố thông tin về nước mắm nhiễm thạch tín của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas). Sau khi có kết luận điều tra, những sai phạm sẽ được xử lý nghiêm.
Theo ông Tuấn, nếu mắc những lỗi cụ thể do trình độ, do sự cẩu thả mà không gây tác hại cho xã hội thì có thể cải chính, rút kinh nghiệm. Nếu gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân ở mức có thể khắc phục được thì phải bồi thường theo pháp luật dân sự, lãnh đạo cơ quan báo chí mắc lỗi đó chưa đến mức bị kỷ luật.
Còn sai phạm xuất phát từ việc cố tình đi chệch tôn chỉ, mục đích, gây ra những lỗi mang tính hệ thống là vấn đề nghiêm trọng. Ông ví dụ việc rút tiêu đề dẫn lời Chủ tịch Quốc hội “Tôi thất vọng khi đọc dự thảo luật Chính phủ trình”. Tiêu đề này, theo ông Tuấn, nói không đúng bản chất nội dung phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, khiến cho dư luận hiểu sai về mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ.
Theo Bộ trưởng, có lúc, có những vụ việc mà đại diện cơ quan lãnh đạo và quản lý báo chí đưa ra lời khuyên nên thông tin điều này, không nên thông tin điều kia, đó chỉ là sự khuyến nghị, nhắc nhở. Nếu thấy sự khuyến nghị, nhắc nhở đó là cứng nhắc, không phù hợp thực tế cuộc sống thì lãnh đạo cơ quan báo chí có thể phản hồi, tranh biện để đi đến chân lý.
Đảng lãnh đạo báo chí, Nhà nước quản lý báo chí có nguyên tắc. Những người được phân công làm nhiệm vụ ở các cơ quan lãnh đạo và quản lý báo chí cũng không được phép nhân danh Đảng và Nhà nước để chỉ đạo tùy tiện. Sự lãnh đạo và quản lý báo chí cũng phải được hoàn thiện về quy trình, cần được đóng góp, phê bình của nhân dân và các nhà báo.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo báo chí và Nhà nước quản lý báo chí, dù lãnh đạo hay quản lý đều tuân thủ nguyên tắc của Đảng và nguyên tắc pháp quyền, báo chí không bị kiểm duyệt. Các tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong các cơ quan báo chí phải tuân thủ điều lệ Đảng, không làm trái với quan điểm, chủ trương, đường lối và sự chỉ đạo của Đảng. Nhà nước quản lý báo chí bằng pháp luật. Các cơ quan báo chí phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của mình.
Theo Bộ trưởng, định hướng của Đảng là hướng báo chí vào các hoạt động ích nước lợi dân, vào các hoạt động chống tham nhũng, chống quan liêu, chống tiêu cực, làm lành mạnh hóa xã hội, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, vào việc đề cao điều thiện, chống lại điều ác. Đó cũng chính là lòng dân. Cho nên định hướng của Đảng chính là hướng báo chí vào lòng dân, ngăn ngừa báo chí vi phạm pháp luật, đi ngược lại lòng dân.
Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí không ngăn cản tự do ngôn luận, không ngăn cản thông tin đa chiều, càng không làm mất cá tính, phong cách và tài năng của những người làm báo.
Theo VnExpress
Ý kiến ()