Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: “Một số hồ đập chất lượng không như mong muốn”
Ngày 31-10, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội về hai vấn đề nóng được nhiều đại biểu, cử tri quan tâm, đó là hiện tượng vỡ đập trong thời gian gần đây và việc quản lý nhà công vụ.
Hạn chế sự cố về hồ đập
– Ngày 30-10, đập phụ Long Châu Hà thuộc đập thủy lợi Đầm Hà Động, trên địa bàn xã Quảng Lợi, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đã bị vỡ. Đây là sự cố mới nhất liên quan đến hồ đập. Bộ trưởng đã chỉ đạo như thế nào sau khi xảy ra sự cố của tỉnh Quảng Ninh?
–Đập Đầm Hà Động ở Quảng Ninh là đập có cỡ trung bình với dung tích khoảng 15 triệu m3 và chiều cao đập khoảng 27,5m, do Bộ Nông nghiệp, Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư và quản lý. Sau khi bị cơn lũ đột xuất với lưu lượng nước lớn đã gây tràn đỉnh đập và chỗ yếu nhất đã bị vỡ, rất may không thiệt hại về người. Sau khi nhận được tin, chúng tôi đã cử cán bộ trực tiếp cùng địa phương và Bộ NNPTNT khắc phục. Tôi đã chỉ đạo Sở Xây dựng Quảng Ninh tập hợp các sở ngành có liên quan xem xét tìm ra nguyên nhân để có giải pháp cụ thể khắc phục. Hiện nay việc khắc phục hậu quả vỡ đập ở Quảng Ninh đang dược tiến hành một cách khẩn trương, có trách nhiệm của địa phương và ban ngành có liên quan. Còn nguyên nhân gây vỡ đập chúng tôi sẽ có kết luận sau khi các cơ quan chức năng và Cục Giám định chất lượng về xây dựng của Bộ Xây dựng có báo cáo cụ thể.
– Những năm gần đây sự cố vỡ đập xảy ra thường xuyên hơn. Xin Bộ trưởng cho biết có phải do việc kiểm tra tiêu chuẩn an toàn hồ đập hiện nay chưa được coi trọng?
– Việc bảo đảm an toàn hồ đập là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vì hồ đập bị vỡ không chỉ thiệt hại kinh tế cho quá trình đầu tư hồ đập đó, mà còn thiệt hại đến của cải, thậm chí cả tính mạng của người dân. Cho nên, việc bảo đảm an toàn hồ đập luôn luôn phải được quan tâm từ khâu đề ra những quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế, từ việc bảo đảm khảo sát, thiết kế công trình cho đến thi công công trình, kiểm soát quá trình thi công… Chúng ta có khoảng gần 7.000 hồ đập, tuy nhiên gần đây có một số hồ đập chất lượng không được như mong muốn, bị vỡ, có cái vỡ ở khu đập phụ, có cái đang thi công thì vỡ… Có nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân thuộc về thiết kế, có nguyên nhân thuộc về thi công, hoặc thuộc về vận hành. Những vấn đề này đang được chấn chỉnh để việc quản lý hồ đập ngày càng tốt hơn, hạn chế cao nhất những sự cố về hồ đập.
Chưa thu lại nhà công vụ thì chưa phải là chiếm đoạt
– Ngày 31-10, trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế – xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) và một số đại biểu đã nói về việc nhà công vụ được sử dụng sai mục đích hiện nay. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?
– Nhà ở công vụ hiện nay có số lượng rất lớn, và chính sách nhà ở công vụ là một chính sách đúng đắn để đáp ứng nhà ở cho những cán bộ công chức, viên chức được điều động luân chuyển công tác đến nơi xa nơi ở cũ nhưng không có khả năng tạo lập được bằng thu nhập thì Nhà nước phải bảo đảm nhà ở cho họ. Đối tượng được ở nhà công vụ thứ nhất là những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; thứ hai là nhà ở cho đối tượng cán bộ được điều động luân chuyển; thứ ba là nhà ở cho các đối tượng là những cán bộ viên chức, công chức, giáo viên, bác sĩ đến công tác ở nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa; hoặc đối tượng là những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp lực lượng vũ trang. Chính sách nhà ở công vụ là đúng đắn. Về thực hiện, đại đa số là thực hiện đúng, tuy nhiên có một số trường hợp thực hiện chưa tốt như đại biểu đã nêu thì cần sớm khắc phục.
Có nhiều nguyên nhân khiến nhà ở công vụ được sử dụng chưa đúng mục tiêu đề ra. Thứ nhất, những quy định pháp luật về sử dụng nhà công vụ trong thời gian vừa qua chưa đầy đủ, cụ thể, Luật Nhà ở năm 2005 quy định chưa rõ về đối tượng, giá thuê, thời hạn sử dụng. Thứ hai, nhà công vụ do rất nhiều cơ quan quản lý, ở trung ương thì các ban ngành, ở địa phương do các sở quản lý, nơi thì sở xây dựng, nơi sở tài chính, nơi lại do các cơ quan có cán bộ sử dụng nhà công vụ quản lý. Riêng Bộ Xây dựng quản lý 180 nhà công vụ, tức số lượng chỉ bằng 1,4% tổng số nhà công vụ trên cả nước. Và Bộ Xây dựng mới được giao quản lý nhà công vụ của Chính phủ. Qua đó, chúng tôi thấy được tình hình hạn chế, nguyên nhân quản lý nhà công vụ. Trong đó, có một nguyên nhân nữa rất quan trọng là người sau khi hết nhiệm vụ công tác không được ở nhà công vụ nữa cũng có người không có nhà để ở, mà bản thân họ không có khả năng tạo lập nhà để ở. Cũng có trường hợp có nhà ở rồi nhưng vẫn không giao nhà công vụ.
Đây là lỗ hổng pháp luật cần phải sửa. Chính vì thế, Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở đã đề xuất Chính phủ ra Nghị định số 34 năm 2013 về quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và có thông tư hướng dẫn quy định cụ thể về tiêu chuẩn, đối tượng và hướng dẫn các địa phương kiểm soát rà soát nhà ở trong cả nước. Đối với những chủ nhà công vụ không còn công tác nữa vẫn giữ nhà thì Bộ đã có những văn bản đề nghị chủ nhà giao lại căn nhà đó. Còn với những người không có nhà ở sau khi đã ở nhà công vụ thì sẽ được mua nhà ở xã hội, và tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội sẽ được mở rộng cho nhiều đối tượng khác nhau. Vì thế trong lần sửa đổi này, Bộ Xây dựng rất muốn trong Luật Nhà ở sửa đổi có chương Nhà công vụ. Chính phủ cũng sẽ phải có văn bản cụ thể hóa luật về nhà ở xã hội để các đối tượng khác nhau có nhu cầu về nhà ở mà không có khả năng tự tạo lập thì được mua nhà ở xã hội, như thế sẽ tạo ra sự công bằng.
– Những người chiếm đoạt nhà ở công vụ làm của riêng, ông có cho rằng họ phạm tội tham nhũng không?
– Chưa thể nói cụ thể là họ chiếm đoạt hay không mà phải nâng cao ý thức trách nhiệm để họ giao lại nhà ở công vụ. Ngay cả họ chưa giao nhà công vụ cũng có thể là do cơ quan quản lý nữa. Vì Nhà nước phải thu lại mà chưa thu thì không thể nói là chiếm đoạt được.
– Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()