Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Chống ô nhiễm môi trường như chống giặc
Đăng đàn phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh đến một số giải pháp xuyên suốt của Chính phủ và ngành tài nguyên và môi trường, trong đó phải coi việc “chống ô nhiễm môi trường như chống giặc” nhằm bảo đảm sức khoẻ và đời sống nhân dân.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. |
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhắc đến những kết quả mà ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) đạt được như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt trên 97% diện tích cần cấp, rút ngắn 1/2-1/3 thời gian đăng ký biến động cho người dân sử dụng đất thực hiện các quyền cho thuê, thế chấp, chuyển nhượng, góp vốn để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với ngành tăng 13% so với năm 2016, nằm trong top 10 bộ, ngành của cả nước. Tổng thu của ngân sách trong nước mà ngành đóng góp từ 15-20%, gần 73.000 ha đất đai trước đây để lãng phí đến nay đã được vào sử dụng, khai thác, góp phần phát triển KT-XH cho đất nước.
Đi vào những nội dung cụ thể, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đối với công tác quản lý tài nguyên nước, Bộ đã nghiên cứu và xác định được những bước đi và giải pháp. Theo đó, nguồn nước ở Việt Nam là khá phong phú, tuy nhiên hàng năm, các sông, suối xuyên biên giới chuyển vào Việt Nam lượng nước khoảng 520 tỷ m3, chiếm khoảng 63% tổng lượng nước trung bình hàng năm. Trong khi đó, lượng nước nội địa thì tỷ lệ người dân được sử dụng lại thấp hơn bình quân so với khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, chúng ta còn nhiều vấn đề mà các đại biểu đã đặt ra, đó là vấn đề tác động kép do biến đổi khí hậu làm cho việc phân bổ nguồn nước không đều theo vùng địa lý, theo mùa dẫn đến việc phát triển KTXH gặp nhiều khó khăn. Theo Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL, nếu không thay đổi cơ cấu phát triển nền kinh tế thì không đảm bảo được sự phát triển bền vững.
Còn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy thể chế về nguồn nước của chúng ta còn bất cập. Chúng ta chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa có sự đầu tư để đảm bảo được hạ tầng về nước, chưa có chính sách kinh tế tài chính về nước. Hiệu quả sử dụng nước của chúng ta cũng ở mức rất thấp, với mỗi đơn vị (m3) nước, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 USD GDP, khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD.
Chỉ ra nguyên nhân của vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, cần xem xét lại các quy định để xem xét rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước. Cần phải làm rõ nguồn lực đầu tư cho hạ tầng như quan trắc, dữ liệu; vấn đề quy hoạch; làm tốt cơ chế phối hợp với các nước có liên quan, chủ động triển khai hợp tác chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới thông qua hợp tác song phương, hợp tác đa phương thông qua hợp tác Mê Kông, Mê Kông – Lan Thương.
Đề cập đến vấn đề quản lý tài nguyên đất, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, trước các vấn đề vướng mắc, khó khăn về đất đai, Chính phủ, Bộ TN&MT đã trình sửa một số điều của Luật Đất đai. Đến nay hầu hết các vấn đề khó khăn, vướng mắc đã được tiếp thu, sửa đổi trong các Luật như Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng và trong 2 Nghị quyết của Quốc hội. Đặc biệt, là Nghị quyết 60 liên quan đến quản lý đất đai trong các lĩnh vực cổ phần hoá và 10 nghị định của Chính phủ để thực hiện triển khai việc tổ chức triển khai Luật đất đai năm 2013.
Bộ Chính trị đã có Kết luận 36 khẳng định phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi toàn diện cơ chế chính sách, pháp luật về đất đai. Việc sửa đổi liên quan đến nhiều đối tượng nên phải làm hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện từ vấn đề lý luận cho đến thực tiễn.
Cũng theo Bộ trưởng, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi lần này nhằm mục tiêu đảm bảo quyền của người dân được sống trong môi trường trong lành và thể chế hoá toàn bộ quan điểm, chủ trương, chỉ đạo của Bộ Chính trị qua Kết luận 65 khi sơ kết Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường công tác quản lý tài nguyên môi trường. Kết luận đã khẳng định: Đầu tư chính sách, chương trình, dự án và đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển, không hi sinh môi trường.
“Chúng ta phải thực sự lấy môi trường là mục tiêu phát triển. Quan điểm này đã được thể hiện trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Qua đó, nhiều vấn đề thiết thực, cụ thể và sát sườn với người dân được xem xét như vấn đề về nước thải, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, người gây ô nhiễm phải trả tiền; người được sử dụng dịch vụ về môi trường phải chi trả.
Chúng ta cần có sự tham gia của Nhà nước trong đầu tư xử lý các vấn đề môi trường do lịch sử để lại. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm trong tổ chức, thực hiện. Đồng thời, khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị, đoàn thể…
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Như tinh thần “chống dịch như chống giặc” như vừa qua, chúng ta phải có quan điểm “chống ô nhiễm môi trường như chống giặc”, bảo đảm cuộc sống và sức khoẻ nhân dân.
Ý kiến ()