Bộ trưởng Thông tin Truyền thông trả lời về gỡ thông tin xấu độc
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tỷ lệ tháo gỡ các video xấu, độc trên kênh YouTube hiện nay đã lên đến 90%; mỗi tháng gỡ bỏ hàng ngàn video xấu độc…
Chiều 6/11, tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn liên quan đến lĩnh vực quản lý không gian mạng.
Mỗi tháng gỡ bỏ hàng ngàn video xấu độc
Giải đáp chất vấn của các đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) về các biện pháp xử lý những nội dung trực tuyến xấu độc, nhảm nhí, trái văn hóa, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ em, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tỷ lệ tháo gỡ các video xấu, độc trên kênh YouTube hiện nay đã lên đến 90%; mỗi tháng gỡ bỏ hàng ngàn video xấu độc, xử lý nghiêm một số cá nhân sản xuất nội dung xấu, độc.
Bộ trưởng đề nghị người dân, tổ chức khi phát hiện các video xấu, độc, cần báo đến đường dây nóng của Bộ và các Sở Thông tin và Truyền thông để phối hợp xử lý.
Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu trong thời gian tới sẽ gỡ bỏ 100% video xấu, độc bị phát hiện, phát triển công cụ phát hiện video xấu, độc, đồng thời phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra hướng dẫn tiêu chí đánh giá video vi phạm thuần phong mỹ tục…
Quyết làm sạch không gian mạng
Nêu lên tình trạng lợi dụng mạng xã hội để thông tin sai lệch về tình hình đất nước, bôi nhọ, xuyên tạc, bịa đặt về cá nhân, đưa thông tin giả mạo gây hoang mang cho người dân, đại biểu Vũ Thị Thủy (Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp để hạn chế tình trạng trên.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tin giả là một vấn nạn toàn cầu. “Thời gian qua Bộ xác định “làm sạch” không gian mạng là nhiệm vụ trọng tâm và đã làm rất quyết liệt,” Bộ trưởng khẳng định.
Theo Bộ trưởng để làm sạch không gian mạng cần phải thực hiện quyết liệt các giải pháp về thể chế, về công cụ quản lý. Theo đó, về mặt kỹ thuật, Bộ đã nâng cấp trung tâm xử lý với năng lực mỗi ngày có thể sàng lọc được 300 triệu tin.
Về thực thi pháp luật, Bộ đã làm việc cứng rắn với các nền tảng xuyên biên giới, nhất là Facebook và YouTube, qua đó tăng mạnh số lượng tin giả được gỡ bỏ.
Số lượng tin bài mà Facebook đã phải gỡ trong năm 2020 tăng 30 lần so với năm 2017, trong khi số trang giả mạo được gỡ bỏ cũng tăng 8 lần. Cơ quan chức năng cũng đã xử lý vi phạm hành chính hàng trăm trường hợp đăng tải tin sai, tin giả trên mạng, tính từ đầu năm đến nay.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin năm nay (2020) sẽ ban hành Bộ quy tắc tham gia mạng xã hội để mọi người hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, không nghĩ rằng vô danh nên vô trách nhiệm, đồng thời yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam và đóng thuế.
Bộ cũng đề nghị Quốc hội sửa hình thức xử phạt vi phạm từ mức tuyệt đối thành mức xử phạt theo doanh thu./.
Ý kiến ()