Bộ trưởng Tài chính chỉ thị “kiểm soát quyền lực” các lãnh đạo đơn vị
Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ban hành Chỉ thị số 04/CT-BTC về việc tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính đối với công chức, viên chức và tăng cường kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác quản lý cán bộ và thực thi công vụ.
Trụ sở Bộ Tài chính. |
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu cấp ủy, người đứng đầu các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt 10 nhiệm vụ.
Một là, thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng về quan điểm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Bộ Tài chính về công tác quản lý cán bộ, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, trong đó chú ý đến các yêu cầu, giải pháp quy định trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về “một số vấn đề cần tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Hai là,tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các quy định của Đảng và Nhà nước về: Luật phòng chống tham nhũng; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Chỉ thị số 05/CT-BTC ngày 07/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính khi thi hành công vụ; Chỉ thị số 11-CT/BCSĐ ngày 03/4/2018 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý cán bộ và trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong thực thi công vụ; Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 10/6/2019 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về trách nhiệm nêu gương đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, đảng viên ở các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 20/5/2020 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về việc tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính đối với công chức, viên chức trong ngành Tài chính.
Ba là, quán triệt, phổ biến và thực hiện nghiêm Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền đến từng đảng viên, công chức, viên chức tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính.
Bốn là, thực hiện quy định về phân cấp, phân quyền và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; giải quyết công việc phải năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và chịu trách nhiệm; chủ động, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống khẩn cấp, đột xuất, bất ngờ trong đơn vị, lĩnh vực mình phụ trách.
Sáu là, có biện pháp giám sát, phòng ngừa các biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân; định kiến với người góp ý, phê bình; trực tiếp, mượn danh hoặc cung cấp tài liệu cho người khác để nói, viết, đăng tin, bài sai sự thật nhằm đề cao tập thể, cá nhân mình hoặc hạ thấp uy tín của tập thể, cá nhân khác trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Bảy là, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công chức, viên chức thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình; không lợi dụng vị trí công tác để can thiệp không đúng thẩm quyền, không đúng trách nhiệm, can thiệp trái quy định vào công tác cán bộ, công tác kiểm tra, thanh tra; nghiêm cấm các biểu hiện, hành vi tham nhũng, hối lộ dước mọi hình thức.
Tám là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh các vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với công chức, viên chức vi phạm quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm trong quá trình thực thi công vụ; chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhất là trong công tác tuyển chọn, quy hoạch, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ, phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn chính trị, thủ tục, nguyên tắc quy định nhằm chủ động phòng ngừa tiêu cực trong nội bộ và tăng cường đảm bảo nội bộ đơn vị đoàn kết, trong sạch; khen thưởng kịp thời công chức, viên chức có thành tích; xử lý kỷ luật nghiêm, khách quan đối với công chức, viên chức vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chín là, cấp ủy, Thủ trưởng đơn vị tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, không để xảy ra những vụ việc gây hậu quả và tác động tiêu cực do quan liêu trong quản lý, sự thiếu trách nhiệm, tắc trách, vô kỷ luật trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xử lý nghiêm những vi phạm; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân.
Mười là, Cấp ủy, Thủ trưởng đơn vị là người chịu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác quản lý công chức, viên chức tại đơn vị; nghiêm túc thực hiện và công khai, minh bạch các quy định liên quan đến công tác quản lý cán bộ, kiên quyết không để xảy ra sai phạm, tiêu cực.
Vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ đã nhiều lần được Đảng ta đề cập, đặc biệt là trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4, khóa XII,… Mới đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền. Theo các chuyên gia về quản lý nhà nước, quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ sẽ là tác nhân làm tha hóa cán bộ, từ đó làm tha hóa, thoái hóa, biến chất cả bộ máy. Khi không được kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến sự lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ, đặc biệt, điều này rất dễ xảy ra ở người chủ trì, người đứng đầu tập thể.
Ý kiến ()