Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bác bỏ cáo buộc lắp đặt phòng trang điểm ở Lầu Năm Góc
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth bác bỏ một báo cáo của CBS News cho rằng ông ra lệnh lắp đặt phòng trang điểm để phục vụ cho các lần xuất hiện trên truyền hình.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth hôm 24/4 lên tiếng bác bỏ báo cáo của CBS News cho rằng ông ra lệnh cải tạo một căn phòng gần khu vực họp báo của Lầu Năm Góc thành phòng trang điểm để phục vụ cho các lần xuất hiện trên truyền hình.
Theo CBS, việc sửa chữa ban đầu dự kiến tiêu tốn khoảng 40.000 USD, nhưng đã được thu hẹp quy mô. Một nguồn tin cho biết căn phòng từng rất đơn giản – chỉ có bàn, ghế, TV, vài bức ảnh của các cựu Bộ trưởng Quốc phòng và một chiếc gương gắn sau cánh cửa. Tuy nhiên, các thiết bị mới như ghế và gương lớn có đèn trang điểm đã được lắp đặt.

CBS dẫn lời một quan chức quốc phòng cho hay ông Hegseth tự trang điểm trước mỗi lần lên sóng, không thuê chuyên viên trang điểm. Người phát ngôn Lầu Năm Góc cũng cho biết: “Việc nâng cấp và thay đổi cơ sở vật chất tại phòng họp báo là điều bình thường mỗi khi có thay đổi chính quyền".
Không lâu sau đó, ông Hegseth lên tiếng trên mạng xã hội X, gọi đây là “câu chuyện hoàn toàn bịa đặt”. Ông viết: “Đây là tin giả hoàn toàn. Không có lệnh nào như vậy, không có phòng trang điểm nào như vậy – nhưng nói sao cũng được".
Ông Hegseth, từng là người dẫn chương trình của Fox News, đang vấp phải nhiều chỉ trích trong thời gian đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Quốc phòng. Tuần này, New York Times đưa tin ông chia sẻ kế hoạch không kích Yemen với vợ, em trai và luật sư thông qua ứng dụng mã hóa Signal.
Trước đó, The Atlantic tiết lộ ông chia sẻ thông tin nhạy cảm với hơn chục quan chức chính phủ khác trong một nhóm trò chuyện trên Signal.
Tuần trước, ông còn mất cùng lúc bốn nhân viên cấp cao. Trong tất cả các vụ việc, ông đều phản ứng gay gắt và chỉ trích giới truyền thông.
Theo các nguồn tin từ Lầu Năm Góc được Politico và The Atlantic trích dẫn, những nhân vật rời đi gồm Chánh văn phòng, cố vấn truyền thông cấp cao, một trợ lý đặc biệt, và một phụ tá điều hành, tất cả đều nộp đơn từ chức chỉ trong vòng một tuần.
Các nguồn tin cho rằng nguyên nhân chính đến từ phong cách lãnh đạo gây tranh cãi của ông Hegseth, bao gồm cả việc đưa ra quyết định mà không tham khảo ý kiến nội bộ, thiếu minh bạch trong các hoạt động điều hành và thường xuyên nổi giận với cấp dưới. Một số cựu nhân viên mô tả môi trường làm việc dưới quyền ông là “độc hại” và “thiếu chuyên nghiệp".
Ý kiến ()