Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Liên kết vùng để tận dụng tốt lợi thế
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, làm tốt vấn đề liên kết vùng và quy hoạch vùng sẽ tận dụng được các tiềm năng của các địa phương và hạn chế việc triệt tiêu động lực của các địa phương với nhau.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến “Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công năm 2022 Vùng đồng bằng sông Hồng và trung du và miền núi Bắc Bộ” tổ chức sáng 14/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết vấn đề liên kết vùng, quy hoạch vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các địa phương.
Nếu làm tốt vấn đề liên kết vùng và quy hoạch vùng sẽ tận dụng được các tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương và hạn chế việc triệt tiêu động lực của các địa phương với nhau.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mặc dù trong điều kiện còn rất khó khăn, đặc biệt diễn biến của dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, tình hình thực hiện phát triển kinh tế-xã hội 8 tháng của vùng đồng bằng sông Hồng và trung du-miền núi Bắc Bộ đã đạt được những kết quả khả quan: các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế, các vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì trong bối cảnh chịu tác động mạnh từ dịch bệnh.
Tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng của 2 vùng đều cao hơn mức bình quân chung cả nước; trong đó, một số địa phương có tốc độ tăng trưởng nằm ở nhóm cao nhất cả nước (như Hòa Bình 16,1%, Vĩnh Phúc 14,21%, Hải Phòng 13,52%, Sơn La 10,67%, Hà Nam 10,41%, Bắc Giang 10,2%, Lai Châu 10,08%…).
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8 tháng của 2 vùng đạt 406,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,25% số thu cả nước; kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đạt 108,62 tỷ USD, chiếm trên 50% cả nước; tổng vốn FDI đăng ký trong 8 tháng đạt 6,9 tỷ USD, chiếm 36,1% cả nước; số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đạt 30.360 doanh nghiệp, chiếm 37,2% cả nước.
Một số địa phương như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang… đã kiểm soát tốt dịch bệnh, góp phần khôi phục đời sống của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.
Để các địa phương tập trung tham luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu một số vấn đề mang tính gợi mở như: đề nghị các địa phương đánh giá toàn diện, phân tích các mặt được, chưa được và làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan và các giải pháp đối với tình hình triển khai thực hiện phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư 8 tháng năm và ước thực hiện cả năm 2021; trong đó, đánh giá rõ việc dự kiến kết quả thực hiện chỉ tiêu GRDP của các địa phương trong năm 2021.
Bên cạnh đó, các địa phương kiến nghị các giải pháp đúng, chia sẻ cách làm hay để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và triển khai kế hoạch đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, đặc biệt là việc giải ngân trong 9 tháng và những tháng cuối năm 2021 trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị về công tác giải ngân vừa qua; đồng thời, tập trung vào việc khả năng thực hiện giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng phải đạt tối thiểu 60% kế hoạch đã được giao từ đầu năm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng yêu cầu các địa phương dự kiến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công năm 2022; trong đó, cần tập trung về công tác dự báo, đánh giá, phân tích tình hình, bối cảnh “bình thường mới,” nêu bật những vấn đề khó khăn, vướng mắc và những tồn tại, hạn chế để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, giải đáp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.
Bên cạnh đó, các địa phương cần làm rõ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội liên quan đến từng lĩnh vực tại địa phương như về quy hoạch, đầu tư công, khắc phục các tác động của dịch bệnh COVID-19, các vấn đề về doanh nghiệp, đầu tư kinh doanh, an sinh xã hội.
Ngoài ra, các địa phương nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 đảm bảo triển khai ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát; trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương và vùng.
Đối với quy hoạch, Bộ trưởng đề nghị các địa phương nêu thêm các khó khăn, vướng mắc; đồng thời kiến nghị đề xuất đối với việc triển khai công tác quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và các quy hoạch có liên quan.
Triển khai Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 23/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức 3 Hội nghị trực tuyến với 3 miền Bắc, Trung, Nam bao gồm 6 vùng kinh tế-xã hội trong cả nước với mục tiêu hướng dẫn, trao đổi với các địa phương để đánh giá những kết quả dự kiến đạt được trong năm 2021, những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện kế hoạch.
Đồng thời, trên cơ sở các kết quả đạt được để đề ra mục tiêu, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công năm 2022 nhằm đảm bảo tập trung, hiệu quả, nâng cao sự phối hợp, chia sẻ giữa các địa phương trong điều hành, xây dựng và triển khai kế hoạch, nhất là trong bối cảnh diễn biến của dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường. Đây là hội nghị đầu tiên được tổ chức họp trực tuyến với các địa phương.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ giải đáp những nội dung vướng mắc, khó khăn được các địa phương đề cập theo các nhóm vấn đề lớn để cùng với các địa phương xây dựng phương án phát triển kinh tế xã hội phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương, góp phần tiến tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra./.
Ý kiến ()