Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Gỡ rào cản cho giải ngân vốn đầu tư công
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/8/2020 ước đạt 221.768 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Phát biểu tại Hội nghị giao ban tháng 8 trực tuyến của Chính phủ về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được tổ chức sáng 21/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thúc đẩy và giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bên cạnh việc tập trung tổ chức chuẩn bị đại hội các cấp, cần xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020; trong đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trước mắt, các đơn vị thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đã được ban hành.
Bên cạnh đó, xác định rõ tồn tại, yếu kém trong các khâu từ chỉ đạo, điều hành, quản lý đến tổ chức thực hiện dự án đầu tư. Cùng đó, xác định chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư… là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền.
“Các đơn vị cũng phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, lập kế hoạch giải ngân, giải phóng mặt bằng của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án. Đồng thời, coi đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao trong năm 2020,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Cùng với đó, các đơn vị phối hợp kịp thời với các Bộ và cơ quan chuyên ngành liên quan tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình giải ngân, giải phóng mặt bằng; đáp ứng yêu cầu về tiến độ thi công các chương trình, dự án. Song song đó, thực hiện nghiêm và có hiệu quả trong phối hợp, theo dõi thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020; chỉ đạo chủ đầu tư đẩy mạnh tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả trong quá trình thực hiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Bộ Tài chính đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để rút ngắn thời gian, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31/7/2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm vốn kéo dài từ các năm trước sang).
Ước giải ngân đến ngày 31/8/2020 là 221.768 tỷ đồng đạt 47% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2019 đạt 41,39%); trong đó, vốn ngân sách Trung ương đạt 37,8% kế hoạch và vốn ngân sách địa phương đạt 55,1% kế hoạch.
Hiện có 5 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%.
Tuy nhiên, có 29 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%; trong đó, có 15 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%.
Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân bao gồm cả nguyên nhân cố hữu tồn tại lâu nay chưa được khắc phục triệt để và cả nguyên nhân mới phát sinh.
Cụ thể, đó là việc lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch. Việc tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương còn nhiều bất cập. Các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; việc đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả.
Ngoài ra, nguyên nhân giải ngân chậm nguồn vốn ODA có nhiều đặc thù do nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn.
“Do chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, hầu hết các hoạt động gắn với yếu tố nước ngoài từ nhiều khâu nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn, giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án đều chậm lại,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.
Ý kiến ()