Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công du châu Á: Nỗ lực "hồi sinh" quan hệ đối tác
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng nước này Lloyd Austin, ngày 15-3, đã bắt đầu có chuyến công du đến châu Á. Đây là chuyến công du đầu tiên của hai quan chức cấp cao Mỹ trên cương vị mới. Động thái trên được xem là những nỗ lực làm “hồi sinh” mối quan hệ giữa Washington với các đối tác và đồng minh sau một thời gian dài gián đoạn.
Dù khởi hành riêng rẽ, nhưng hai bộ trưởng trong phát biểu chung trước chuyến đi đều nhấn mạnh nỗ lực làm “hồi sinh” các mối quan hệ của Mỹ với các đối tác và tăng cường củng cố liên minh. Nhật Bản và Hàn Quốc là điểm đến đầu tiên được hai nhà lãnh đạo cấp cao của Mỹ lựa chọn.
Đến Nhật Bản, Ngoại trưởng A.Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng L.Austin đã tham dự Đối thoại chiến lược và an ninh với những người đồng cấp nước chủ nhà theo cơ chế “Đối thoại 2 2”. Các bộ trưởng đã trao đổi về những biện pháp củng cố quan hệ đồng minh, vấn đề Triều Tiên và Myanmar, phương thức ứng phó đại dịch Covid-19… Trong phát biểu của mình, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết, hai bên đã nhất trí phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng tại Biển Đông và biển Hoa Đông, khẳng định Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ về vấn đề này.
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ tái khẳng định mong muốn hợp tác với Nhật Bản và các đồng minh trong vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên, đồng thời khẳng định hai nước cùng ủng hộ giá trị chung liên quan đến dân chủ và pháp quyền, bày tỏ tin tưởng những giá trị này sẽ giúp hai nước mạnh hơn trong bối cảnh có nhiều mối đe dọa hiện hữu.
Sau Nhật Bản, hai bộ trưởng Mỹ tiếp tục tới Hàn Quốc trong ngày 17-3 để gặp gỡ Ngoại trưởng Chung Eui-yong và Bộ trưởng Quốc phòng Suh Wook của nước này. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ và Hàn Quốc tổ chức cuộc họp cấp cao sau 5 năm. Ngoài quan hệ đồng minh, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng là một trọng tâm của chương trình nghị sự.
Rời Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L.Austin tới Ấn Độ để hội đàm với người đồng cấp Rajnath Singh nhằm thắt chặt mối quan hệ đối tác giữa Washington với New Delhi. Trong khi đó, Ngoại trưởng A.Blinken trở về Mỹ để đối thoại với phái đoàn của Trung Quốc tại Anchorage (Alaska).
Theo giới quan sát, chuyến công du 4 ngày của hai người đứng đầu ngành ngoại giao, quốc phòng Mỹ diễn ra rất đúng thời điểm. Lâu nay, các đối tác châu Á của Washington vẫn sốt ruột mong chờ một thông điệp đối ngoại rõ ràng từ chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden. Nhiều nước, đặc biệt là các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc còn rất e ngại sau 4 năm duy trì mối quan hệ “nguội lạnh” với chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Việc Tổng thống J.Biden chủ động cử các bộ trưởng chủ chốt gặp gỡ lãnh đạo các nước đồng minh được xem là bước đi khôn khéo. Kết quả các cuộc gặp này sẽ giúp Mỹ có nền tảng tốt hơn khi thảo luận với phái đoàn của Trung Quốc trong cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mặt khác, chuyến công du cũng là cơ hội tốt để Washington lan tỏa những cam kết và quan điểm đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên của nhóm Bộ tứ (gồm: Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản) vừa diễn ra, đặc biệt là quyết tâm thúc đẩy một trật tự tự do, rộng mở và dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Việc thúc đẩy hợp tác còn giúp Mỹ vực dậy nền kinh tế vốn đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Có thể thấy, chính sách đối ngoại của Tổng thống J.Biden thực sự là “mũi tên trúng nhiều đích”, qua đó tái khẳng định quyết tâm của Washington trong việc nỗ lực “xoay trục” – chiến lược vốn được khởi động từ thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama nhằm đưa nước Mỹ trở lại vị thế tốt hơn trên trường quốc tế.
Ý kiến ()