Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Pháp thăm Việt Nam
Sáng 4-8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang thăm chính thức Việt Nam.
Sáng 4-8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang thăm chính thức Việt Nam.
Trong bầu không khí hữu nghị và thẳng thắn, hai bên đã trao đổi ý kiến sâu rộng về quan hệ hai nước, trong đó có các biện pháp nhằm thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận đạt được giữa hai nước thời gian qua, nhất là thực hiện Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc. Hai bên cũng đã thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Hai Bộ trưởng đánh giá cao những bước phát triển mới trong quan hệ hai nước, nhất là sau cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa qua; đồng thời cho rằng việc lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước thường xuyên gặp gỡ, đi thăm lẫn nhau sẽ tạo động lực quan trọng góp phần thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa hai nước cũng như kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh trong quan hệ hai nước.
Hai Bộ trưởng nhất trí cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc tăng cường tin cậy chính trị và hợp tác toàn diện là phù hợp lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân hai nước. Hai bên sẽ tăng cường trao đổi và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao, thúc đẩy giao lưu hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa các cấp, các ngành, các địa phương, các tầng lớp nhân dân hai nước; đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và hợp tác trong những lĩnh vực hai bên còn nhiều tiềm năng như xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án kết nối giao thông hai nước…
Về vấn đề biên giới lãnh thổ, hai bên đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai nước trong việc thực hiện nghiêm túc ba văn kiện liên quan biên giới trên bộ; nhấn mạnh trong thời gian tới hai Bộ Ngoại giao sẽ tích cực thúc đẩy các cơ quan hữu quan trao đổi để sớm ký kết Hiệp định về hợp tác khai thác tiềm năng du lịch khu vực thác Bản Giốc và Hiệp định về quy chế tàu, thuyền qua lại tự do ở cửa sông Bắc Luân.
Về vấn đề Biển Ðông, hai bên khẳng định giải quyết mọi bất đồng thông qua đàm phán hòa bình, hữu nghị, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Ðông. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, hai bên cần kiên trì giải quyết tranh chấp trên biển trên cơ sở Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC).
* Cùng ngày, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Lô-răng Pha-bi-uýt đang thăm chính thức Việt Nam, trong bối cảnh hai nước tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 – 2013). Cuộc hội đàm diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Hai bên đánh giá quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Pháp phát triển tích cực. Theo tinh thần Thông cáo chung giữa Bộ Ngoại giao hai nước nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (tháng 3-2013), hai bên thống nhất về cơ bản nội hàm và lộ trình nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược thời gian tới.
Hai bên tập trung trao đổi về các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hợp tác, gồm tăng cường trao đổi đoàn các cấp; củng cố và phát huy hiệu quả của các cơ chế đối thoại hiện có trong các lĩnh vực ngoại giao – quốc phòng, kinh tế – thương mại – đầu tư và khoa học công nghệ; hợp tác giữa các địa phương; khuyến khích và tạo điều kiện cho các tập đoàn, doanh nghiệp Pháp tìm hiểu thị trường và mở rộng hoạt động tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mà Pháp có ưu thế về công nghệ như cơ sở hạ tầng, năng lượng, giao thông, hàng không vũ trụ, y tế, nông nghiệp và chế biến thực phẩm…; tăng cường hợp tác giáo dục-đào tạo, văn hóa, khoa học công nghệ thông qua việc triển khai dự án Trường đại học Công nghệ Hà Nội, tăng học bổng cho sinh viên Việt Nam, hợp tác giảng dạy tiếng Pháp và tiếng Việt tại các cấp phổ thông hai nước, tạo điều kiện cho hoạt động của các Trung tâm văn hóa Việt Nam – Pháp tại mỗi nước và nhất là các hoạt động văn hóa kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao trong khuôn khổ Năm Việt Nam – Pháp.
Hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Pháp ủng hộ việc giải quyết tranh chấp tại Biển Ðông một cách hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực; bày tỏ vui mừng trước những diễn biến tích cực gần đây giữa các nước ASEAN và Trung Quốc nhằm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC). Pháp khẳng định ủng hộ Việt Nam phát triển quan hệ hợp tác với EU. Với tư cách là Ðiều phối viên quan hệ ASEAN – EU, Việt Nam khẳng định ủng hộ Pháp tăng cường quan hệ với ASEAN.
Theo Nhandan
Ý kiến ()