Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội: Công tác cai nghiện đạt hiệu quả thấp
Theo Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, hiện cả nước có 120 cơ sở cai nghiện ma tuý, trong đó có 105 cơ sở thuộc hệ thống công lập. Về số người nghiện, cả nước hiện có khoảng 40 nghìn người.
Đánh giá về tình hình triển khai các cơ sở cai nghiện ma tuý thời gian qua, nhất là sau khi triển khai Đề án đổi mới công tác cai nghiện và các cuộc họp của lãnh đạo Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết tuy công tác cai nghiện ma tuý có sự tiến bộ, việc quản lý tại các cơ sở ma tuý đã đạt hiệu quả tốt hơn, nhưng vẫn còn có một số khó khăn nhất định.
Thứ nhất là hiện nay hầu hết các cơ sở cai nghiện đều trong tình trạng quá tải, thông thường quá tải gấp hai lần, đặc biệt có một số nơi tỷ lệ quá tải là gấp bốn lần.
Thứ hai là 43% số người nghiện có tiền án tiền sự, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam có đến 90% tỷ lệ người nghiện sử dụng “ma tuý đá”, và tỷ lệ tái nghiện hiện vẫn ở mức cao.
Bên cạnh đó, ở các cơ sở điều trị cai nghiện đang rất thiếu phác đồ điều trị vì có nhiều loại nghiện khác nhau, trong khi mỗi loại nghiện khác nhau lại đòi hỏi phác đồ điều trị khác nhau. Và trong các cơ sở điều trị cai nghiện hiện đều đang thiếu bác sĩ, y sĩ và người có chuyên môn sâu. Mặc dù Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có phối hợp Bộ Y tế nhưng sự phối hợp chưa thực sự tốt.
Thêm vào đó, vì lý do quá tải tại các cơ sở cai nghiện nên dẫn đến tình trạng học viên cai nghiện phá trại, phá cơ sở, với nhiều lý do khác nhau mà sẵn sàng gây ra xung đột.
Tuy sự phối hợp giữa các ngành chức năng thời gian qua có sự tiến bộ nhất định, nhưng một số địa phương vì có chủ trương “trong sạch địa bàn” mà bằng mọi giá đưa hết người nghiện ra khỏi địa bàn mình, thậm chí cả những đối tượng chưa được phân loại người nghiện.
Về chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đang đạt hiệu quả thấp, tỷ lệ người nghiện tái nghiện cao, chủ yếu rơi vào nhóm người nghiện ở độ tuổi thanh niên.
Để cải thiện tình trạng nghiện ma tuý trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng chúng ta cần phấn đấu giảm cung, giảm cầu và cuối cùng mới là giảm tác hại. Đồng thời, cần tiến hành tăng cường thực hiện đồng bộ cả ba loại cai nghiện: tại gia đình, cộng đồng và cai nghiện bắt buộc. Trong đó, cai nghiện bắt buộc (tại cơ sở) là giải pháp cuối cùng khi cai nghiện tại gia đình và cộng đồng không đạt hiệu quả.
Khôi phục xử lý hình sự người sử dụng ma túy
Cũng trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm sáng nay, đại biểu Võ Thị Như Hoa (TP Đà Nẵng) đặt ra câu hỏi. Việc chỉ xử lý người nghiện theo hướng hành chính mà không xử lý hình sự khiến vấn nạn này càng phức tạp. Hình thức cai nghiện hiện nay cũng không hiệu quả. Có thể thấy rằng, nguyên nhân dẫn đến những vấn đề này là do quy định của pháp luật. “Xin Bộ trưởng cho biết, giải pháp xử lý vấn đề này trong thời gian tới”, đại biểu Hoa hỏi.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc xử lý hành chính các đối tượng nghiện ma túy đang được áp dụng, nhưng trước mắt cũng cần sửa đổi Luật Phòng chống ma túy và khôi phục lại điều 199 của Bộ Luật hình sự.
Tội phạm muốn tiêu thụ ma tuý thì phải tăng người nghiện, vì vậy, công an phải bằng mọi cách giảm số người nghiện và hình sự hoá việc sử dụng ma tuý là điều cần thiết, ông nói.
Theo Bộ trưởng Công an, lực lượng chức năng “không để vụ án xảy ra mới đến xử lý, mà công tác phòng chống, ngăn chặn, xây dựng xã hội kỷ cương an toàn, cho người dân có môi trường an lành mới là mục tiêu của ngành công an; phải xử lý, ngăn chặn tội phạm nảy sinh từ cơ sở”.
Trước đó, tiếp tục giải trình về đấu tranh phòng, chống tội ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm nhìn nhận, đây là loại “tội phạm của các loại tội phạm”. Từ tội phạm ma tuý sẽ nảy sinh các loại tội phạm khác như giết người, cướp của. Mỗi bánh heroin lọt vào Việt Nam thì 10 gia đình có người đi tù, vi phạm pháp luật. Đây là loại tội phạm hết sức nguy hiểm.
Theo ông, hiện 50% số phạm nhân trong các trại giam có liên quan tới ma túy. Vì thế, đấu tranh trong lĩnh vực này rất quan trọng để giảm tội phạm trong nước.
Giải pháp tới đây, Bộ trưởng Công an cho biết sẽ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tội phạm ma tuý; đề nghị khôi phục lại Điều 199 Bộ luật Hình sự về tội sử dụng ma tuý.
Cùng đó, cơ quan chức năng sẽ tăng cường tuyên truyền ở cộng đồng, khu dân cư về tội phạm ma tuý.
Ngành công an cũng sẽ mở rộng phối hợp quốc tế, tăng cường triệt phá các đường dây vận chuyển ma tuý, kiên quyết không để hình thành các đường dây buôn bán ma tuý trong nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()