Bộ trưởng khuyên thí sinh cân nhắc khi thi vào các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng
– Trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” trên VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam tối 27/1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận khẳng định không có chủ trương dừng đào tạo các chuyên ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh và kế toán mà chỉ dừng mở mới cơ sở đào tạo và các ngành đào tạo nói trên.
Bộ trưởng nhấn mạnh việc làm này nhằm điều chỉnh cơ cấu nguồn nhân lực được đào tạo ở bậc đại học, hạn chế những ngành đã đào tạo tương đối đầy đủ nguồn nhân lực, khuyến khích mở mới những ngành đào tạo mà nhu cầu trong những năm tới rất cần nhưng hiện quy mô đào tạo chưa đủ.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thông tin, hiện số lượng sinh viên các ngành nói trên ra trường mỗi năm rất lớn. Theo một con số do Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính vừa công bố, trong vòng 4 năm tới, số sinh viên tài chính – ngân hàng không xin được việc sẽ là khoảng 13.000 người.
Do đó, mặc dù Bộ GD&ĐT không có chủ trương dừng đào tạo các ngành này, những cơ sở đào tạo đã được phép đào tạo vẫn tuyển sinh bình thường trong năm học tới, nhưng các thí sinh nên cân nhắc, thận trọng – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khuyến cáo.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng cho biết, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, các chuyên gia kinh tế và các nhà lãnh đạo đã có những nhận định lạc quan về kinh tế thế giới trong năm 2013 và những triển vọng tốt đẹp hơn của nền kinh tế Việt Nam, do đó thị trường lao động nói chung sẽ phục hồi trở lại. Khi đó, cơ hội việc làm sẽ mở rộng với sinh viên các ngành nói trên.
Nhìn rộng ra, trong những năm tới, Bộ GD&ĐT coi việc chấn chỉnh lại kỷ cương trong đào tạo là một nhiệm vụ trọng tâm, không giới hạn trong các ngành tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh và kế toán mà ở tất cả các ngành.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển nguồn nhân lực, quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho từng ngành, từng địa phương. Do đó, nhu cầu xã hội và khả năng đào tạo của tất cả các ngành sẽ được thống kê, theo dõi để các thí sinh cân nhắc, các trường cũng có thể tự đánh giá khả năng xã hội tiếp nhận nguồn lao động do mình đào tạo.
Bộ GD&ĐT sẽ cập nhật, có giải pháp hạn chế hoặc khuyến khích các ngành học để bảo đảm đào tạo cân đối, phù hợp nhu cầu. Thông tin về ngành tài chính, ngân hàng là thông báo đầu tiên, tiếp theo sẽ có nhiều thông báo khác và việc này sẽ được làm định kỳ, thường xuyên.
Một vấn đề khác được đề cập nhiều trong các ý kiến gửi tới chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” là những quy định mới trong đào tạo liên thông.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh, Bộ không dừng đào tạo liên thông, việc đào tạo liên thông sẽ được tiếp tục, mà chỉ triển khai các giải pháp để đưa liên thông trở về đúng bản chất của nó. Đào tạo liên thông hiện nay được hiểu là một hệ đào tạo, điều này không đúng với Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Theo quy định, chúng ta chỉ có 2 hệ đào tạo là đào tạo chính quy và đào tạo giáo dục thường xuyên, thường được gọi là tại chức. Đào tạo liên thông nhằm tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người.
Đào tạo liên thông chỉ là cách tổ chức đào tạo, trong đó thừa nhận kết quả học tập đã có của người học ở bậc đào tạo trước đó khi tham gia học tập ở bậc cao hơn, nhằm giảm thời gian học tập, chứ không phải là hệ đào tạo mới. Do đó, đào tạo liên thông phải tuân thủ theo quy định hoặc của hệ chính quy, hoặc của hệ thường xuyên, chứ không có quy định riêng.
Cách hiểu không đúng về đào tạo liên thông khiến xã hội coi việc học trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề, cao đẳng như là “đường vòng, đường tắt” để học đại học. Trong khi đó, việc phát triển các trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng là nhằm mục đích phân luồng, giúp xã hội bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa các loại trình độ đào tạo. Nếu coi học trường nghề, cao đẳng là một phương tiện để vào đại học thì mục đích phân luồng thất bại.
Việc chấn chỉnh đào tạo liên thông để bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đồng thời nâng cao chất lượng, bảo đảm lợi ích căn bản và lâu dài của người học. Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, cái gì sai phải sửa, ví dụ tổ chức đào tạo liên thông để xây dựng chương trình đào tạo không đúng chương trình chính quy. |
Ý kiến ()