Bộ trưởng Giao thông Vận tải: Chống tham nhũng quyết liệt đến cùng
Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều nay 18-11, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Ông đưa ra các giải pháp đột phá, trong đó kể cả việc bổ nhiệm cán bộ của ngành cũng ưu tiên tuyển người có tinh thần đấu tranh chống tham nhũng quyết liệt đến cùng.
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trương Thị Ánh (TP. Hồ Chí Minh) về vấn đề chống tham nhũng đã hiệu quả chưa, Bộ trưởng Giao thông Vận tải khẳng định, đây là vấn đề lớn không chỉ của ngành mà của toàn xã hội, nhân dân và cử tri cả nước quan tâm. Bộ Giao thông Vận tải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Vì Giao thông – Vận tải là ngành sử dụng vốn đầu tư nhiều nhất, bao gồm cả vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, và kể cả vốn BOT cũng coi như ngân sách nhà nước vì do người dân đóng góp, thông qua nộp phí để sử dụng hạ tầng. Đấu tranh chống tham nhũng hết sức khó khăn vì liên quan đến cán bộ có chức có quyền.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng chương trình hành động cụ thể và thực hiện triển khai. Đi thẳng vào vấn đề, ông đưa ra các giải pháp đột phá bao gồm: Xác định trách nhiệm của người đứng đầu, từ phê duyệt thiết kế, chủ trương lập dự án đến thực hiện dự án đều gắn trách nhiệm với người đứng đầu, kể cả Bộ trưởng, thứ trưởng, lãnh đạo các cục, vụ, viện, doanh nghiệp thi công và giám sát. Thứ hai, Bộ trưởng cho biết, sẽ thực hiện công khai, minh bạch tất cả các hoạt dộng của ngành giao thông vận tải, từ công tác cán bộ, từ chủ trương đầu tư, phân bổ vốn, đến quá trình thực hiện, công tác đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát. Mọi hoạt động đều thực hiện công khai, minh bạch theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật. Cùng đó là cụ thể hoá những điều của ngành giao thông vận tải, thí dụ ban hành “những điều ban quản lý dự án không được làm”, có hướng dẫn cụ thể, có phân loại xếp loại các chủ thể tham gia quá trình đầu tư, bao gồm cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn, giám sát, thiết kế , tư vấn giám sát, nhà đầu tư công, xếp loại A, B, C,D sẽ được đưa vào tham gia các dự án.
Cùng đó, Bộ Giao thông – Vận tải thực hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, gồm cả trong ngành, những người trực tiếp vi phạm phải bị xử lý. Các chủ thể, ban quản lý, nhà thầu. Nếu có sai phạm kiên quyết xử lý hoặc thay thế. Kể cả những người có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải xử lý theo quy định.
Bộ trưởng khẳng định, ngành giao thông vận tải tiến hành bổ nhiệm cán bộ bằng hình thức tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, Tổng cục trưởng, vụ trưởng. Việc thi tuyển công khai, minh bạch, vừa bảo đảm về chuyên môn, nghiệp vụ, lãnh đạo có năng lực phẩm chất đạo đức và đặc biệt phải có tinh thần chống tham nhũng quyết liệt đến cùng thì mới đủ tiêu chuẩn.
Đường sắt trên cao: An toàn là số một rồi mới đến hiệu quả
Trong phần chất vấn Bộ trưởng Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng chiều 18-11, nhiều đại biểu đã xoáy chung quanh những vấn đề nóng của ngành trong thời gian vừa qua như giá vé máy bay, sự an toàn của tuyến đường sắt trên cao, thu phí đường cao tốc, kế hoạch xây dựng đường giao thông đến xã và xây dựng cầu treo…
Đại biểu Đỗ Văn Đương hỏi dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông sử dụng công nghệ của quốc gia nào, cũ hay mới? Vì sao tiến độ quá chậm, độ lún quá cao. Trung Quốc cũng có hiện tượng tàu trên cao rơi chết nhiều người. Tuyến đường này treo trên đầu hàng nghìn người lưu thông hằng ngày. Nếu đưa vào khai thác tàu điện có tuyệt đối an toàn không?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc, do nhà thầu Trung Quốc thi công, tốc độ 40-60km/giờ, sử dụng tàu và công nghệ mới nhất. Việc xảy ra sự cố đáng tiếc trong lúc thi công là do trách nhiệm các bên liên quan, Bộ đã chỉ đạo cho dừng và khi nào bảo đảm an toàn mới cho triển khai lại. Kể cả trong quá trình khai thác sau này cũng phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn là số 1 rồi mới đến hiệu quả.
Giá vé máy bay Việt Nam rẻ hơn Thái Lan
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Trương Minh Hoàng yêu cầu Bộ trưởng Giao thông vận tải đưa ra giải pháp đồng bộ để giá cước vận tải hợp lý để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. Sân bay Long Thành đi vào khai thác thì giá cước vận tải như thế nào?
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ đang thực hiện tái cơ cấu toàn ngành, trong đó có tái cơ cấu từng các phương thức vận tải: đường thủy, đường hàng không và đường bộ. Để thực hiện tái cơ cấu thành công yếu tố quan trọng là nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ và đào tạo lại con người, góp phần giảm cước vận tải. Nhờ đang thực hiện tái cơ cấu phương thức vận tải, hiện nay tỷ trọng vận tải đường bộ đang giảm, đường thủy tăng, đường sắt cũng đã tăng thị phần, cước vận tải đường sắt giảm.
Hàng không cũng đang tái cơ cấu, điển hình là đã cổ phần hóa Vietnam Airlines. Hãng này cũng không tăng giá vé từ năm 2011 đến nay. So sánh chung giá cước hàng không của Việt Nam và khu vực, Bộ trưởng cho biết cước hàng không Việt Nam rẻ hơn Thái Lan. Tuyến TP Hồ Chí Minh – Hà Nội có giá vé cao nhất 2,8 triệu, trong khi chặng bay dài tương đương Phuket – Băng Cốc cao nhất là 230 USD.
Một số nơi chưa có đường giao thông về xã
Đại biểu Hoàng cũng băn khoăn, sau 40 năm giải phóng miền nam song đường ô tô từ Cao Bằng chưa đến được mũi Cà Mau, 100% đường ôtô vẫn chưa về đến trung tâm huyện, xã.
Bộ trưởng Thăng cho rằng, bộ mặt giao thông gần đây đầu tư nhiều nên có cải thiện nhưng chưa đáp ứng nhu cầu. Còn 11 huyện đảo chưa có đường ôtô, chỉ có huyện Cát Hải được đầu tư đường ra đảo. Trên đất liền còn 8 huyện có đường ô tô nhưng còn phải đi phà, 5 huyện trong số này sẽ có cầu trong năm tới, còn 3 huyện bộ sẽ kết nối với địa phương, cùng địa phương tìm nguồn vốn đầu tư.
Đường giao thông liên xã đang được các tỉnh phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới. Một năm qua, tỉnh Tuyên Quang xây mới 700 km đường giao thông nông thôn bằng sự hỗ trợ quyên góp của người dân, của chính quyền địa phương. Tỉnh Phú Yên 9 tháng qua đã làm được 500 km đường, và rất nhiều địa phương như vậy. Bộ trưởng cũng cho biết đến năm 2020 tất cả 100% xã sẽ có đường ô tô đến trung tâm xã.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngô Văn Hùng về hệ thống cầu treo cho miền núi, nông thôn, Bộ trưởng cho biết đã xây dựng đề án phát triển cầu treo và cầu dân sinh cho 50 tỉnh với tổng số 7.811 cây cầu trong cả nước. Trước mắt, sẽ đầu tư xây dựng 186 cây cầu bằng cách ứng vốn năm 2015, đến 30-6-2015hoàn thành.
Theo ông Đinh La Thăng, để làm được hơn 7.000 cây cầu với tổng số vốn 12 nghìn tỷ đồng, cần huy động các địa phương vì đây là trách nhiệm của địa phương, đồng thời huy động nguồn vốn từ WB, JICA để làm dự án này. Mặt khác, Bộ huy động các doanh nghiệp tham gia chương trình “Nhịp cầu nhân ái” để xây cầu ủng hộ đồng bào. Nếu có nguồn vốn thì trong 3 năm sẽ hoàn thành.
Bán đường cao tốc để xây đường cao tốc
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà.Ảnh: DUY LINH.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà băn khoăn khi chuyển giao quyền khai thác một số đường cao tốc có thể nhà đầu tư thu phí cao, ảnh hưởng lợi ích của người dân. Vậy tiêu chí nào để lựa chọn nhà đầu tư chuyển giao các dự án này.
Về câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết ngành giao thông vận tải huy động nhiều nguồn vốn ngoài xã hội, cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để tham gia xây dựng giao thông. Tổng vốn đầu tư ngoài xã hội đạt 160.000 tỷ đồng, chiếm 60% vốn đầu tư cho giao thông.
Để tạo sự đột phá, bộ nghiên cứu chuyển giao khai thác kết cấu cấu hạ tầng giao thông. Cả nước có 524km đường cao tốc, nếu chuyển nhượng đường thì ta có thể làm tiếp hơn 524km nữa. Và như thế đến năm 2020, theo chiến lược chúng ta có 2 nghìn cây số đường cao tốc. Bán đường cao tốc để xây đường cao tốc, Bộ trưởng nói.
Một số nhà đầu tư xin chuyển giao hạ tầng thu phí từ các nhà đầu tư trước đây và kế thừa toàn bộ mức phí theo quy định, muốn tăng cũng không được vì theo điều khoản của hợp đồng. Nhân công là người Việt Nam nên nhà thầu phải đáp ứng được nhu cầu của người lao động và ngược lại, đồng thời thực hiện sử dụng lao động theo pháp luật.
Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy băn khoăn quốc lộ 6 đầu tư theo hình thức BOT sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội song mức thu phí đường bộ và cao tốc có thể cao. Nếu trên quốc lộ 1 sẽ có thêm nhiều trạm thu phí, vậy việc thành lập trạm có đúng khoảng cách và Bộ giao thông sẽ quản lý số phí thu được như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Thăng cho biết, đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai qua tính toán thì chi phí giảm 30%, đường đi thẳng, an toàn hơn. Và từ khi có đường cao tốc này thì số lượng khách đi tàu Lào Cai giảm xuống một nửa. Bộ phải tăng cường chuyến tàu hàng cho tuyến đường sắt này.
Chủ trương nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 tổng dự án 6 tỷ USD, thời gian thi công hai năm trong khi nguồn lực ngân sách chỉ được một nửa và một nửa phải huy động vốn ngoài xã hội. Các nhà đầu tư phải thu phí để hoàn vốn, mức phí, cự ly thu phí theo quy định tối thiểu cách nhau 70 km.
Bộ trưởng cũng cho biết, để thu phí nhanh, tránh thất thoát lãng phí, giảm thời gian thu phí thì sẽ áp dụng thu phí tự động. Lái xe không cần dừng xe, máy sẽ tính tiền và thông báo lại cho chủ xe. Hình thức này các chủ đầu tư BOT sẽ bị kiểm tra chặt chẽ, không giấu được doanh thu, tránh thất thoát thuế.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()