Bộ trưởng GD&ĐT: Đây là năm học khắc phục khó khăn, thích ứng với hoàn cảnh
Ngày 9/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021, dự kiến kế hoạch công tác năm 2022 và định hướng 5 năm (2021-2026); tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phát biểu tại cuộc làm việc với Bộ GD&ĐT. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì buổi làm việc. Tham dự có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm học 2020-2021, ngành đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học, vừa bảo đảm chất lượng giáo dục. Từ kinh nghiệm của năm học trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời chỉ đạo hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục triển khai nhiệm vụ, ứng phó với dịch bệnh. Các địa phương, cơ sở giáo dục đã điều chỉnh kế hoạch tổ chức dạy học qua Internet và truyền hình, điều chỉnh hình thức kiểm tra đánh giá, bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên và giáo viên. Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã tích cực cùng cả nước tham gia phòng, chống dịch.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức thành công, bảo đảm nghiêm túc, công bằng, an toàn cho gần 1 triệu thí sinh cả hai đợt; 12.000 thí sinh không thể dự thi đã được xét đặc cách tốt nghiệp theo quy định…
Bên cạnh đó, ngành giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những nút thắt, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, có chính sách phát triển giáo dục mầm non, đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phát triển đội ngũ nhà giáo, tự chủ đại học…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, thách thức với năm học này rất lớn, vừa ứng phó với dịch bệnh, tình hình kinh tế – xã hội khó khăn, vừa thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa với lớp 1, 2, 6 và chuẩn bị cho lớp 3, 7, 10 vào năm học sau. “Chúng tôi xác định đây là năm học khắc phục khó khăn thử thách, thích ứng với hoàn cảnh, tiếp tục đổi mới giáo dục, kiên trì mục tiêu chất lượng”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Tại cuộc làm việc, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đánh giá, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, trên cơ sở trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo đã được quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương, các cơ quan liên quan đã phối hợp khá chặt chẽ để khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học bậc giáo dục phổ thông còn một số bất cập. Các điều kiện bảo đảm để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 còn hạn chế, nhất là ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Nội dung chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để bảo đảm chất lượng. Việc áp dụng hình thức dạy học trực tuyến là giải pháp linh hoạt để ứng phó dịch bệnh, nhưng điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng cơ sở thông tin ở nhiều địa phương, nhiều gia đình chưa bảo đảm nên ảnh hưởng tới chất lượng dạy học…
Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cho cả giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong năm học này cần mang tính bao quát, toàn diện, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm để tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước giai đoạn tới.
Về dự kiến kế hoạch công tác 5 năm 2021-2025, theo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, để xác định đúng mục tiêu ưu tiên, giải pháp đột phá cho phát triển giáo dục và đào tạo, cần phát huy những bài học kinh nghiệm giai đoạn trước và có tính tới bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế giai đoạn tới. Mục tiêu tổng quát của giai đoạn cần bám sát Nghị quyết 29, Kết luật 51 và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đồng thời, đề nghị Bộ nghiên cứu bảo đảm tính khả thi của các giải pháp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có thể còn diễn biến phức tạp.
Các thành viên Thường trực Ủy ban cũng quan tâm đến vấn đề bảo đảm chất lượng dạy học trực tuyến, xây dựng đội ngũ nhà giáo chất lượng, đẩy mạnh tự chủ giáo dục đại học…
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, giáo dục là lĩnh vực quan trọng và cũng nhạy cảm vì liên quan đến từng gia đình. Thường trực Ủy ban ghi nhận trong hoàn cảnh khó khăn do đại dịch, ngành giáo dục đã quyết tâm cao, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành toàn ngành bảo đảm chất lượng; chất lượng giáo dục các cấp ngày càng được nâng lên; cơ sở vật chất ngày càng hoàn thiện…
Ý kiến ()