Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Bạo lực trẻ em thống kê 2.000 vụ/năm, thực tế có thể cao hơn
Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em… là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.
10h30′ sáng 5/6, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung bắt đầu đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, có 68 đại biểu đã đăng ký chất vấn người đứng đầu ngành Lao động – thương binh và xã hội.
Ba vấn đề quan tâm trong giáo dục nghề nghiệp
Là đại biểu mở đầu chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) nêu vấn đề chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay còn thấp. Đại biểu đặt câu hỏi: “Bộ trưởng có giải pháp gì cần ưu tiên trong giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực? Bộ trưởng chọn năm 2018 là năm đột phá cho giáo dục nghề nghiệp, ông kỳ vọng kết quả đạt được như thế nào?”.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp là nguyên nhân khiến năng suất lao động thấp. Chất lượng thấp thể hiện qua việc chưa theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Lực lượng lao động tại nông thôn đến cuối tháng 4/2018 chiếm tới 38,6% lực lượng lao động, nhưng chỉ đóng góp 15,34% vào GDP.
Cơ cấu đào tạo bất hợp lý. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng kỹ năng, các điều kiện đảm bảo lao động như: Môi trường làm việc, thu nhập, an toàn và mạng lưới an sinh…
Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới sẽ ưu tiên giáo dục nghề nghiệp; đồng thời khẳng định, đột phá về giáo dục nghề nghiệp là chủ trương cực kỳ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực. “Trong giáo dục nghề nghiệp có 3 vấn đề phải quan tâm: Một là, quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới; Hai là, chuyển mạnh sang tự chủ, tự chủ sẽ là động lực để phát triển giáo dục nghề nghiệp; Ba là, chuyển hẳn sang hướng kết nối doanh nghiệp với nhà trường. Đây là chủ trương nhiều quốc gia đã thành công, đặc biệt những nước có giáo dục nghề nghiệp phát triển cao như Đức, Singapore, Nhật Bản…” – Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, năm 2018 là năm đột phá giáo dục nghề nghiệp và Bộ đã chọn 10 trường làm thí điểm kết nối với 15 tập đoàn, đào tạo theo yêu cầu 150.000 nhân lực. Tuy mới là khởi đầu, nhưng đây là sự mở đầu rất quan trọng để tạo hướng đi mới.
Giải pháp nào ngăn chặn tình trạng bạo lực trẻ em?
Tại phiên chất vấn, vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em được nhiều đại biểu quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) chất vấn: Tình trạng bạo hành, bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng tăng, phức tạp, gây bức xúc cho xã hội. Hành lang pháp lý đã có những quy định pháp luật bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, cử tri vẫn băn khoăn chưa đủ lực đẩy lùi vấn nạn này, chế tài chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa có hiệu quả để bảo vệ trẻ em phát triển toàn diện trong thời đại mới. Vậy với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có suy nghĩ, giải pháp đồng bộ gì để giải quyết vấn đề trên?
Trả lời đại biểu Nguyễn Tạo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hàng năm nước ta có 2.000 trẻ em bị bạo lực. Đáng chú ý, Bộ trưởng cho rằng, đây mới là những con số được thống kê, còn thực tế con số có thể tăng vì nhiều trường hợp không thông tin.
Bộ trưởng cũng khẳng định, chúng ta có đầy đủ khung pháp lý được quy định tại các luật, nghị định; đồng thời đã tiến hành nhiều biện pháp khác nhau, từ việc đẩy mạnh tuyên truyền, mở đường dây nóng 111, xử lý nghiêm một số vụ việc, các lãnh đạo cũng có ý kiến đối với các vụ việc cụ thể. Riêng Bộ LĐ-TB&XH cũng đã trực tiếp đôn đốc vấn đề này.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, tình trạng gần đây cho thấy xuất hiện một số vụ việc tính chất phức tạp hơn, gây bức xúc cho xã hội.
Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật, cụ thể hơn trách nhiệm ngành, đặc biệt là tăng cường sự phối hợp hiệp đồng giữa gia đình và nhà trường trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em…
Chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) tranh luận: Đây là những vấn đề rất bức xúc hiện nay. Bộ trưởng nêu con số mỗi năm 2.000 vụ bạo hành, nhưng riêng theo báo cáo của các cơ quan tư pháp thì riêng xâm hại tình dục mỗi năm đã là 1.500 vụ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng trả lời kỹ hơn vì thời gian qua xảy ra nhiều vụ.
Với tư cách Bộ trưởng, đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em, Bộ trưởng cho biết các giải pháp mạnh mẽ để chặn đứng tình trạng này?.
Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án TAND tối cao đưa ra giải pháp để giải quyết bế tắc trong việc chứng minh tội phạm xâm hại tình dục trẻ em?.
Chiều nay, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tiếp tục trả lời chất vấn về nhóm vấn đề trên.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm, các Bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn: Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Công an và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác tùy theo chất vấn có liên quan (nếu có)./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()