Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Kiên quyết loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết
“Kiên quyết loại bỏ các thủ tục không cần thiết, tránh gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp, người dân và xã hội”- đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại cuộc hội thảo về các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng năm 2014 diễn ra sáng 3/10 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: ĐD) |
Nhằm lắng nghe phản biện từ các vùng miền, Bộ Xây dựng quyết định tổ chức cuộc hội thảo lần thứ hai, sau cuộc hội thảo lần thứ nhất được tổ chức tại khu vực phía Nam ngày 18/9.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Luật Xây dựng năm 2014 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2014), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, đã đánh dấu một bước đổi mới căn bản, toàn diện về thể chế, chính sách quản lý đầu tư xây dựng; với hành lang pháp lý hoàn chỉnh và đồng bộ, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước để kiểm soát chặt chẽ các nguồn lực của Nhà nước, khắc phục tư tưởng “nhà nước hóa” cũng như tư tưởng “thị trường hóa” một cách thái quá trong quản lý đầu tư xây dựng, nhằm nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Các đại biểu dự hội thảo. (Ảnh: ĐD) |
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đang tập trung khẩn trương soạn thảo 6 Nghị định hướng dẫn thi hành, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 10/2014, để Chính phủ xem xét, ban hành và kịp thời thực hiện khi Luật Xây dựng 2014 chính thức có hiệu lực.
Nghị định về quy hoạch xây dựng: Quy định chi tiết về lập, thẩm định, phê duyệt đối với các loại quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù, quy hoạch xây dựng nông thôn; tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch xây dựng.
Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng: Quy định chi tiết về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; thực hiện dự án đầu tư xây dựng; kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng; các hình thức quản lý dự án; cấp giấy phép xây dựng và điều kiện năng lực hoạt động xây dựng.
Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng: Quy định chi tiết về quản lý chất lượng công trình xây dựng trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng; giải quyết sự cố trong thi công xây dựng và khai thác, sử dụng công trình xây dựng; quy định về bảo hành và bảo trì công trình xây dựng.
Nghị định về quản lý chi phí xây dựng: Quy định chi tiết về tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, định mức xây dựng, giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng, thanh, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình.
Nghị định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Vấn đề được các đại biểu tập trung góp ý cho các dự thảo Nghị định là phạm vi điều chỉnh; thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành như thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng; kiểm tra nghiệm thu trước khi đưa công trình vào khai thác sử dụng; mô hình tổ chức và hoạt động của ban quản lý dự án chuyên nghiệp; cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép…
Trao đổi với các đại biểu dự hội thảo, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng phải đảm bảo chất lượng, có tính khả thi cao, sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả; phải đơn giản hóa đến mức tối đa quy trình, thủ tục, hồ sơ, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; kiên quyết loại bỏ các thủ tục không cần thiết, tránh gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp, người dân và xã hội.
Theo CPV
Ý kiến ()