Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Không để các bộ, ngành ban hành văn bản một cách tùy nghi
Trước tình trạng thời gian qua một số bộ, ngành ban hành các văn bản pháp luật thiếu tính khả thi, tùy nghi, trao đổi với báo chí bên lề hành lang Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng cần có cơ chế kiểm soát Thông tư của các bộ, ngành.
Phóng viên (PV): Thông tư số 01/2014/TT-CA Toà án nhân dân (TAND) tối cao ban hành nội quy phiên toà sẽ có hiệu lực kể ngày 16/6/2014. Trong đó, có quy định: “Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải xuất trình Thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác cho Thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút, trước giờ khai mạc phiên tòa”. Bộ Tư pháp có biết nội dung này? Quan điểm của Bộ trưởng? Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tôi đã giao cho Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kiểm tra và báo cáo kết quả hôm 18/6. Theo tôi, Thông tư 01 có qui định nhà báo tham dự, đưa tin phiên tòa ngoài việc xuất trình Thẻ nhà báo còn phải có giấy giới thiệu công tác thì “vướng” với Nghị định của Chính phủ (quy định chỉ cần trình thẻ nhà báo). Đây là giấy phép “con”, là rào cản cho hoạt động báo chí và không cần thiết. Bên cạnh đó, qui định phải xuất trình Thẻ nhà báo và giấy giới thiệu trước 15 phút, nếu chậm hơn thì không được chẳng hạn cũng là vấn đề. Nguyên tắc của ta là xét xử công khai, trừ một số trường hợp bí mật. Quyền báo chí đã được quy định trong Luật Báo chí và Nghị định 51/2002 của Chính phủ quy định thi hành Luật Báo chí. Cục kiểm tra văn bản đã phát hiện ra những vấn đề còn “vướng” và cần góp ý cho TAND tối cao về vấn đề này. Về nguyên tắc, Bộ Tư pháp không có thẩm quyền kiểm tra đối với Thông tư của TAND tối cao nên chỉ góp ý. Cố gắng đến 21/6 Bộ Tư pháp sẽ có văn bản góp ý. PV: Nếu TAND tối cao không sửa thì cơ quan nào có thẩm quyền “tuýt còi”? Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tôi chắc TAND tối cao sẽ sửa. Còn theo quy định thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có quyền kiểm tra Thông tư này. PV: Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định tiêu chuẩn chức danh quản lý của công chức, trong đó đưa ra quy định tiêu chuẩn chức danh Thứ trưởng phải sử dụng thông dụng ít nhất một ngoại ngữ Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc trình độ cao cấp bậc 6…Bộ trưởng thấy quy định này có phù hợp và mang tính khả thi không? Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Bộ Nội vụ soạn thảo Nghị định này căn cứ vào Luật Cán bộ công chức và được Chính phủ giao nhiệm vụ nên việc xây dựng dự thảo Nghị định là bình thường. Dự thảo chưa được Bộ Tư pháp thẩm định nên khi công bố có nhiều ý kiến liên quan đến tiêu chuẩn của Thứ trưởng… Tôi cho rằng quy định như trên không cần thiết và khó có khả thi, kể cả đại biểu Quốc hội cũng đã nói như luân chuyển cán bộ từ địa phương lên thì sao đủ trình độ ngoại ngữ, ngay cả ở Trung ương cũng khó. Như vậy, tôi nghĩ có lẽ phải đến năm 2030 mới khả thi, nhất là cách dạy và học ngoại ngữ hiện nay như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói là “không giống ai”. Tôi khẳng định lại là dự thảo Nghị định này chưa qua thẩm định. Khi thẩm định Bộ Tư pháp sẽ có ý kiến về vấn đề này. Thứ trưởng do Ban Bí thư quản lý, thẩm định thì càng đưa nhiều quy định càng bó, có khi làm thui chột nhân tài của đất nước. Ví dụ có người quản lý rất giỏi mà thiếu một số tiêu chuẩn A,B,C… lại không được bổ nhiệm thì đất nước mất nhân tài. PV: Có khoảng trống trong kiểm soát Thông tư, thưa Bộ trưởng? Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Hiện tôi đã nghe lần cuối trước khi xin ý kiến về dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng tinh thần là có đề nghị Chính phủ và Quốc hội về cơ chế kiểm soát Thông tư của các bộ, ngành. Ví dụ như Thông tư của Tòa án, Viện Kiểm sát là thuộc Quốc hội nên phải có cơ chế khác, cách khác để kiểm soát như bắt buộc phải có ý kiến của Bộ Tư pháp, chứ không được ban hành tùy nghi nữa. |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()