Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đề nghị giữ nguyên 16 chương trình mục tiêu quốc gia
“Sau Chỉ thị 1792 về tăng cường và quản lý chặt chẽ hơn nữa nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ thì báo cáo tại kỳ họp này Chính phủ đã điều chỉnh một cách rất căn bản chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng lồng ghép, thu gọn lại và để hiệu quả hơn, chủ động hơn. Đây là một bước đột phá rất quan trọng tiếp theo trong việc chấn chỉnh lại chi tiêu ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ”.
– “Sau Chỉ thị 1792 về tăng cường và quản lý chặt chẽ hơn nữa nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ thì báo cáo tại kỳ họp này Chính phủ đã điều chỉnh một cách rất căn bản chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng lồng ghép, thu gọn lại và để hiệu quả hơn, chủ động hơn. Đây là một bước đột phá rất quan trọng tiếp theo trong việc chấn chỉnh lại chi tiêu ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh đã giải trình trước Quốc hội trong phiên thảo luận ngân sách sáng 2/11. Bên cạnh những mặt tích cực, hạn chế của các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh mong muốn Quốc hội và cử tri chia sẽ thêm với Chính phủ một số vấn đề: Về các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều chương trình cũng đã đạt được nhiều kết quả, tuy vậy về căn bản vẫn có nhiều chương trình không hiệu quả và không đạt được mục tiêu đặt ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả những nguyên nhân là nguồn lực chúng ta không đáp ứng được và bố trí phân tán, dàn trải. Đề xuất của Chính phủ cho giai đoạn trước mắt 2014, 2015 là không thể cắt ngay 16 chương trình này vì Nghị quyết của Quốc hội đã phân bổ cho cả 5 năm và đang tiến hành thực hiện. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đề nghị trước mắt giữ nguyên 16 chương trình này, tuy nhiên các chương trình rà soát lại, cắt giảm các chương trình thành phần và thu hẹp các mục tiêu cho thích hợp, tương thích với nguồn lực và thực tiễn. Trong năm 2014, 2015 sẽ giảm tổng mức bố trí do chúng ta không đáp ứng được nguồn lực và cũng là để đảm bảo hiệu quả hơn;không cho khởi công các dự án mới mà chỉ tập trung chủ yếu vào bố trí hoàn thành các dự án cũ. Sau 2015 sẽ thảo luận, tính toán cho giai đoạn 5 năm tiếp theo 2016 – 2020 theo hướng lồng ghép lại tất cả các chương trình mục tiêu quốc gia vào khoảng 2 chương trình chính, đó là chương trình phát triển nông thôn mới và chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó là thay đổi cơ bản về quy chế quản lý theo hướng giao quyền cao hơn và trách nhiệm cao hơn cho các địa phương để chủ động lồng ghép. Bộ trưởng mong muốn Quốc hội thông qua vấn đề này, bởi vì có nhiều ý kiến phát biểu giống vậy nhưng chưa thấy ai nói là đồng ý với đề xuất của Chính phủ. Về trái phiếu Chính phủ, các đại biểu về cơ bản đồng tình với đề xuất phát hành bổ sung 170 nghìn tỷ đồng của Chính phủ trình, vấn đề mà các đại biểu băn khoăn là phải có địa chỉ cụ thể cho sử dụng nguồn vốn trái phiếu bổ sung này. “Tôi thấy đó là một đòi hỏi rất chính đáng, chính tôi cũng đề xuất nên minh bạch toàn bộ những vấn đề này trước Quốc hội mà được Quốc hội thông qua là yên tâm nhất, tốt nhất. Chúng ta không có một lợi ích nào khác ngoài lợi ích là sử dụng tốt nhất đồng tiền của nhân dân” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ. Mặc dù đã có Tờ giải trình của Chính phủ về vấn đề phân bổ nguồn trái phiếu bổ sung trước đó, nhưng Bộ trưởng Bùi Quang Vinh vẫn muốn giải trình thêm. Loại thứ nhất, Chính phủ ưu tiên cho Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 thì 2 dự án này đều đã có danh mục chi tiết cho từng gói thầu một. Việc cần rà soát lại và dự phòng thì vấn đề đó Bộ Giao thông vận tải sẽ phải trách nhiệm rà soát lại một lần nữa trước khi Quốc hội thông qua và để trình Chính phủ có được mức bố trí cho từng gói thầu đúng thì đó là vấn đề thứ nhất thì đã minh bạch, rõ ràng. Loại thứ hai là các dự án đang đầu tư dở dang trong giai đoạn 2012 – 2015 trong đó có dự án luồng tàu biển vào sông Hậu. Thực tế dự án này nằm trong Nghị quyết 881 của Quốc hội ban hành năm 2010 nhưng đã bị Bộ Giao thông vận tải đình hoãn lại để ưu tiên các dự án dở dang khác, cho nên đây là dự án duy nhất giãn, hoãn được Chính phủ trình ra trước Quốc hội, nếu kỳ này được Quốc hội thông qua thì nó là dự án duy nhất giãn, hoãn rồi mà lại đưa ra để bàn để đầu tư. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết thêm, Chính phủ không bổ sung thêm một danh mục nào nằm ngoài danh mục mà Quốc hội đã phê duyệt vào năm 2011 cho những dự án được bố trí trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015. Và trước đây là trên 1.400 dự án nay đã hoàn thành và thanh toán thì còn khoảng hơn 800 dự án, Bộ KH&ĐT có tên từng dự án một và hiện nay Bộ đang cùng các địa phương, bộ, ngành rà soát chốt lại cuối cùng tổng mức đầu tư còn thiếu. “Việc rà soát này chúng tôi nắm trong tay từng dự án về tổng mức của bộ, ngành và địa phương tên danh mục, không phải có một danh mục dự án nào mới “nhảy” vào đây mà Quốc hội đã quyết định của năm 2011; chỉ là những danh mục đang thi công cho nên các đại biểu không lo chuyện sẽ có danh mục mới mà lại bố trí thế này thế kia mà chỉ là những danh mục đang dở dang. Hiện nay chúng tôi đang trình nguyên tắc, Chính phủ đã thông qua nguyên tắc bố trí cho các dự án này” – Bộ trưởng nhấn mạnh. Hiện nay Ủy ban tài chính ngân sách đang chuẩn bị họp vào tuần tới để thông qua nguyên tắc bố trí vốn cho những công trình dở dang này và tổng số là 66.000 tỷ và 66.000 tỷ chỉ bố trí cho hơn 800 danh mục dở dang. Sau khi thông qua nguyên tắc này thì Bộ KH&ĐT trên cơ sở đó tính cho từng dự án mới đưa ra được, nếu ưu tiên cho các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng mà thiếu vốn, những dự án hoàn thành vào năm 2013, những dự án hoàn thành năm 2014, những dự án tuy không hoàn thành trong năm 2014 – 2015 nhưng quan trọng với quốc gia như dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang, thủy điện bản Mồng ở Nghệ An hoặc một số dự án thủy lợi khác tưới tiêu cho đồng bào ở Tây Nguyên, những dự án mang tính chất tưới cho mấy chục nghìn ha, hàng trăm ngàn ha chưa hoàn thành sau 2016 nhưng chúng ta vẫn cần phải bố trí một phần vốn để tiếp tục thi công để khoảng năm 2018 hoàn thành. Bộ KH&ĐT còn phải báo cáo Chính phủ nhiều lần, Chính phủ thông qua tổng mức bố trí cho giao thông của cả nước là bao nhiêu trong gói 66 ngàn tỷ này. “Trong giao thông chia làm 3 khoản: giao thông của Bộ Giao thông là bao nhiêu; giao thông của Bộ Quốc phòng là bao nhiêu; giao thông của các địa phương là bao nhiêu. Tương tự như vậy thủy lợi cũng của trung ương bao nhiêu, địa phương bao nhiêu. Y tế cũng vậy. Khi gói lớn này Chính phủ thông qua thì Bộ KH&ĐT sẽ thông báo cho các bộ, ngành và các địa phương trên số danh mục nằm trong số mà Quốc hội đã thông qua mà đang bố trí dở dang, thì Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh sẽ tự mình bàn bạc, lựa chọn và trình cơ quan có thẩm quyền ở địa phương để lựa chọn ra mức tiền bố trí cho danh mục nào và chọn danh mục nào bố trí, danh mục nào không bố trí. Bộ Kế hoạch và đầu tư, Chính phủ không trực tiếp bố trí cho một danh mục nào hết” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinhgiải thích thêm. |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()