Bố trí đủ nguồn lực để tăng lương cơ sở từ ngày 1-7
Ngày 5-5, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4-2023. Tại cuộc họp báo, lãnh đạo các bộ, ngành đã làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến nguồn lực để thực hiện tăng lương cơ sở từ ngày 1-7; tiến độ ban hành nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang (LLVT); giải pháp ứng phó với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Bố trí 59.000 tỷ đồng để tăng lương cơ sở trong 6 tháng năm 2023
Từ ngày 1-7-2023, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ được điều chỉnh tăng từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng thêm 20,8%). Đây là căn cứ tính mức lương trong bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và LLVT; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí; tính các khoản trích và chế độ, chính sách được chi trả từ ngân sách nhà nước theo mức lương cơ sở. Việc quy định mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng sẽ góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và LLVT.
Trao đổi về nguồn kinh phí để thực hiện chính sách này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã tham mưu với Chính phủ đề xuất với Quốc hội bố trí đầy đủ nguồn lực để phục vụ cho việc tăng lương và cải cách tiền lương. Theo đó, hơn 59.000 tỷ đồng được Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền bố trí để thực hiện chính sách tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức trong 6 tháng cuối năm 2023. Trong đó, 12.000 tỷ đồng được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và 47.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu dành cho cải cách tăng lương (trong đó ngân sách địa phương là 27.000 tỷ đồng, ngân sách Trung ương là 20.000 tỷ đồng). “Chính phủ chuẩn bị, bố trí đầy đủ nguồn lực cho tăng lương trong 6 tháng cuối năm 2023”, ông Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Người dân tới giải quyết thủ tục hành chính tại UBND huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Ảnh: LÊ HIẾU |
Cùng trả lời vấn đề tăng lương cơ sở, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, đối với nội dung dự thảo nghị định quy định mới lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và LLVT, theo nhiệm vụ được Chính phủ phân công, trong tháng 2-2023, Bộ Nội vụ đã soạn thảo và đăng tải trên cổng thông tin lấy ý kiến nhân dân. Trong tháng 4 vừa qua, Bộ Nội vụ đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo nghị định. Vừa qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp thẩm định vấn đề này. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ sẽ khẩn trương tiếp thu, giải trình các ý kiến và trình Chính phủ trong tháng 5-2023 về nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và LLVT để bảo đảm thực hiện tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2023.
Khuyến nghị Việt Nam sớm chủ động giành quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu
Bắt đầu từ năm 2024, hàng loạt quốc gia sẽ áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Tác động của chính sách này đến Việt Nam là cấp bách, thể hiện trên hai khía cạnh là bảo đảm quyền đánh thuế tại Việt Nam và khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài. Theo quy tắc này, các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu euro (tương đương 870 triệu USD) trong ít nhất hai năm ở giai đoạn 4 năm liền kề trước thời điểm thực hiện nghĩa vụ thuế sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15% trên mức lợi nhuận. Theo thống kê của Bộ Tài chính, hơn 1.000 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp thuế.
Liên quan tới thuế tối thiểu toàn cầu, tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Chi cho biết, các tổ chức tư vấn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều khuyến nghị Việt Nam sớm chủ động giành quyền đánh thuế này. Theo đó, để thích ứng với chính sách thuế này, nhiều giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp, gián tiếp cho doanh nghiệp FDI được Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham vấn cấp có thẩm quyền, như: Tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp; hỗ trợ đào tạo nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển… “Các giải pháp ứng phó, chính sách hỗ trợ ưu đãi tới đây sẽ bảo đảm tài chính, môi trường kinh doanh của Việt Nam, giữ chân và thu hút các nhà đầu tư lớn, công nghệ cao và phù hợp với cam kết quốc tế khi Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu”, ông Nguyễn Đức Chi chia sẻ.
Tại báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cảnh báo dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng, xem xét kỹ việc đầu tư mạnh vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm gần 70% số dự án mới, song vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đăng ký mới trong 4 tháng.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bo-tri-du-nguon-luc-de-tang-luong-co-so-tu-ngay-1-7-727202
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()