Bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng
– Theo số liệu tổng hợp từ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn, khoảng 80% bệnh nhân phải điều trị các bệnh về phổi có thói quen hút thuốc lá. Với sự tư vấn, động viên của các bác sĩ, trong quá trình điều trị, nhiều người bệnh đã quyết tâm bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Đang điều trị bệnh u phổi tại Bệnh viện Phổi Lạng Sơn, ông Nông Văn Mỷ, xã Hồng Thái, huyện Văn Lãng cho biết: Năm nay tôi 62 tuổi và có hơn 40 năm hút thuốc lá. Càng hút, tôi càng ho nhiều, khó thở nên phải nhập viện. Tại đây, tôi được các cán bộ, bác sĩ tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và tận tình tư vấn, động viên, tôi đã quyết tâm bỏ thuốc lá. Từ tháng 2/2022, tôi đã “cai” thuốc lá thành công và tuân thủ phác đồ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đến nay bệnh của tôi đã đỡ hơn rất nhiều.
Cán bộ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn điều trị bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Cũng giống ông Mỷ, ông Giáp Văn Điền, 61 tuổi, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng đã nhận thức được tác hại của thuốc lá và quyết tâm bỏ thói quen hút thuốc. Ông Điền chia sẻ: Do hút thuốc lá đã hơn 20 năm nên tôi bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Bệnh này nguy hiểm, khi phát bệnh không được cấp cứu kịp thời rất dễ tử vong. Tôi đã phải nhập viện cấp cứu 2 lần. Vì thế, tôi đã quyết tâm bỏ hút thuốc. Tôi đã kiên trì trong 3 năm để bỏ được thuốc lá.
Từ năm 2021 đến nay, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn đã điều trị nội trú 1.226 bệnh nhân mắc các bệnh về phổi, trong đó có 980 người có tiền sử hút thuốc lá. Ông Mỷ và ông Điền là 2 trong số 980 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Phổi Lạng Sơn đã nhận thức được tác hại của thuốc lá và bỏ thuốc lá thành công trong hơn 1 năm qua. Cụ thể, trong số các bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá thì đã có 882 bệnh nhân đã bỏ thuốc lá thành công (chiếm 90%). Bác sĩ Phương Văn Hưởng, Trưởng Khoa Bệnh phổi, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn cho biết: Người hút thuốc lá có tỷ lệ mắc các bệnh về phổi như: ung thư phổi, xơ phổi, viêm phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản… cao hơn nhiều so với người không hút thuốc lá. Do đó, để điều trị bệnh hiệu quả, 19/19 cán bộ, y bác sĩ, điều dưỡng của khoa thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, động viên bệnh nhân bỏ thuốc lá. Chúng tôi khuyến cáo, việc “cai” thuốc lá phải được thực hiện kiên trì, giảm dần lượng thuốc lá trong ngày. Khi lượng thuốc sử dụng ít đi thì việc từ bỏ sẽ dễ dàng hơn, tránh cai thuốc lá đột ngột rất dễ tái nghiện và tái nghiện nhiều lần sẽ khó bỏ.
Trong quá trình khám, điều trị, phát thuốc cho bệnh nhân, mỗi ngày ít nhất một lượt tại các phòng bệnh, các y, bác sĩ, điều dưỡng thăm hỏi tình hình sức khỏe và nắm kết quả “cai” thuốc lá từng ngày của bệnh nhân. Đồng thời, thông tin cho bệnh nhân biết về tình trạng sức khỏe của họ để động viên, tiếp thêm động lực cho họ từ bỏ thuốc lá, nâng cao hiệu quả điều trị. Đặc biệt, hằng năm, trong các buổi sinh hoạt định kỳ của Câu lạc bộ “Sức khỏe cuộc sống” của bệnh viện, bác sĩ Khoa Bệnh phổi kết hợp tuyên truyền về tác hại thuốc lá và hướng dẫn bệnh nhân phương pháp bỏ thuốc lá. Bình quân mỗi năm, bệnh viện tổ chức được 4 cuộc với hơn 400 bệnh nhân tham gia.
Mặt khác, để giúp bệnh nhân từ bỏ thói quen hút thuốc lá, xây dựng môi trường bệnh viện không khói thuốc, băng rôn, bảng biển tuyên truyền tác hại của thuốc lá, bảng cấm hút thuốc lá được bố trí ở tất cả các phòng bệnh, hành lang, phòng làm việc. Hiện nay, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn có 2 băng rôn khổ lớn, 40 bảng tuyên truyền tác hại của thuốc lá và gần 80 bảng cấm hút thuốc lá. Bằng phương pháp tuyên truyền trực quan và trực tiếp, các bệnh nhân đã hiểu được tác hại của thuốc lá và quyết tâm bỏ thuốc lá.
Do đó, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh, việc bỏ thuốc lá là rất cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế, việc bỏ thuốc lá không dễ dàng, cùng với sự vào cuộc của bệnh viện, y, bác sĩ còn đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của mỗi người bệnh nói riêng, người dân nói chung.
Ý kiến ()