Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiệm vụ năm 2021
LSO-Sáng 12/1/2021, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.
Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
cùng các đại biểu tham dự tại điểm cầu Lạng Sơn
Dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn, có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo Sở TT&TT.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, năm 2020 nói riêng và giai đoạn 2016 – 2020 nói chung, ngành TT&TT tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2020, tổng doanh thu toàn ngành TT&TT đạt hơn 3 triệu tỷ đồng. Lĩnh vực bưu chính đã duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 35%/năm với tổng doanh thu đạt 56.500 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2016. Năm 2020, tỉ lệ hộ gia đình kết nối internet đạt 75%; tỷ lệ thuê bao băng rộng năm 2020 đạt 76,42 thuê bao băng rộng/100 dân. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cả nước tăng hơn 20 lần so với năm 2016. Trong lĩnh vực báo chí tuyên truyền, Bộ TT&TT đã thực hiện tốt việc quy hoạch báo chí theo hướng tinh gọn. Năm 2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí (năm 2016 có 859 cơ quan báo chí).
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận, đề ra các giải pháp phát triển lĩnh vực TT&TT trong thời gian tới đảm bảo hiệu quả như: phát triển hạ tầng số trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số quốc gia, phát triển đô thị thông minh; khai thác tối đa nền tảng internet để phát triển cơ quan báo chí theo mô hình toà soạn hội tụ, tích hợp đa phương tiện.
Trong năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025, ngành TT&TT đã đề ra nhiều nhiệm vụ, kế hoạch phát triển: Duy trì tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực bưu chính đạt 30 – 40%/năm. Tăng cường phổ cập điện thoại di động thông minh cho Nhân dân với mục tiêu tỷ lệ thuê bao băng rộng di động trên 100 dân đạt trên 80% vào năm 2021, đạt 100% vào năm 2025. Năm 2021, phấn đấu cơ bản hoàn thành phát triển Chính phủ điện tử, làm chủ 100% hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ, an toàn, an ninh mạng…Tỷ lệ người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận ít nhất một loại hình báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu năm 2021 đạt 95% và đạt 100% năm 2025. Tỷ lệ chuyển đổi số tại cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, cơ quan truyền thông đa phương tiện năm 2021 đạt 75%, năm 2025 đạt 90%.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của ngành TT&TT đã vượt qua những khó khăn, thử thách để đạt được những thành tích đáng tự hào. Đồng chí đề nghị Bộ TT&TT, các địa phương cần quan tâm hơn nữa trong việc phát triển Chính phủ số, Chính phủ điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với khát vọng sáng tạo và quyết tâm đổi mới mạnh mẽ để đạt được kết quả cao trong thời gian tới. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin cần phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT để phát triển các ứng dụng thực tiễn, phục vụ nhu cầu của Nhân dân, góp phần xây dựng Việt Nam hùng cường, phát triển.
Nhân dịp này, Bộ TT&TT đã công bố chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chuyển đổi số; ra mắt Cổng thông tin tiếp nhận, phản ánh, xử lý tin giả tại Website: www.tingia.gov.vnvà Tổng đài tiếp nhận, báo tin giả 18008108.
Theo báo cáo của Sở TT&TT tỉnh, năm 2020, trong công tác xây dựng chính quyền điện tử, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện rà soát, cung cấp 1.792 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 557 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 561 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 674 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Công tác bưu chính, viễn thông phát triển đa dạng các dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin liên lạc của người dân trên địa bàn tỉnh. Hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh COVID-19 bảo đảm tính khoa học, hiệu quả, đồng bộ. Kết quả cài đặt khai báo y tế được 16% dân số, xếp thứ 8 trong các tỉnh, thành phố; có 154.231/519.755 smartphone cài đặt ứng dụng Bluezone, đạt tỷ lệ 29.71%, xếp thứ 9 trong các tỉnh, thành phố có tỷ lệ cài đặt cao nhất cả nước. |
Ý kiến ()