Bộ Thông tin và Truyền thông nhận hồ sơ, chọn doanh nghiệp tham gia đấu giá băng tần 4G và 5G
Ngày 19-4 là hạn cuối Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận hồ sơ để lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2.300-2.400 MHz.
Sau thời điểm này, các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ tiến hành chấm các hồ sơ tham gia đấu thầu của các doanh nghiệp. Sau khi doanh nghiệp trúng thầu băng tần sử dụng cho các công nghệ như 4G và 5G sẽ được Bộ TT&TT cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đã ký ban hành Quyết định số 219/QĐ-BTTTT về việc phê duyệt phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2.300-2.400MHz. Doanh nghiệp tham gia đấu giá băng tần 2.300-2.400MHz có thể triển khai mạng và dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ IMT-Advanced (4G) hoặc IMT-2020 (5G), theo nguyên tắc triển khai công nghệ nào sẽ áp dụng yêu cầu triển khai mạng viễn thông với công nghệ tương ứng (IMT-Advanced, IMT-2020).
Viettel dẫn đầu với số lượng vị trí trạm thu phát sóng 5G. |
Việc các doanh nghiệp nộp hồ sơ tham gia đấu giá cho Cục Viễn thông là thực hiện theo quy định tại Nghị định số 88/2021/NĐ-CP ngày 1-10-2021 quy định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần (Điểm 7, Điều 12), trong thời hạn 1 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Viễn thông có văn bản thông báo cho doanh nghiệp biết về hồ sơ không hợp lệ. Trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo, doanh nghiệp phải hoàn thiện và nộp lại hồ sơ hợp lệ theo quy định.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ xem xét cấp giấy xác nhận doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá. Trường hợp hồ sơ không đáp ứng được điều kiện theo quy định, Bộ có văn bản thông báo từ chối cấp giấy xác nhận, nêu rõ lý do.
Tại phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2.300-2.400MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất theo tiêu chuẩn IMT (được ban hành kèm theo Quyết định 219/QĐ-BTTTT ngày 21-2-2023), Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, có 3 khối băng tần được đấu giá, gồm: A1 (2.300-2.330MHz), A2 (2.330-2.360MHz), A3 (2.360-2.390MHz). Doanh nghiệp trúng đấu giá được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm.
Giá khởi điểm của cả 3 khối băng tần A1: 2.300-2.330MHz; A2: 2.330-2.360MHz; A3: 2.360-2.390MHz đều là trên 5.798 tỷ đồng/khối. Bước giá với cả 3 khối là 10 tỷ đồng/khối. Tiền đặt trước được quy định tối thiểu là 5%, tối đa là 20%. Cụ thể, tiền đặt trước áp dụng tại cuộc đấu giá với 3 khối băng tần là 580 tỷ đồng/khối.
Được biết, đến cuối năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông thử nghiệm 5G tại 40 tỉnh, thành phố.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/tin-tuc/bo-thong-tin-va-truyen-thong-nhan-ho-so-chon-doanh-nghiep-tham-gia-dau-gia-bang-tan-4g-va-5g-725533
Ý kiến ()