Bộ Tài chính phổ biến các Thông tư quản lý tài chính dự án ODA và vay vốn ưu đãi
Sáng ngày 16/4, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo Phổ biến các Thông tư của Bộ tài chính về quản lý tài chính các dự án ODA và vay vốn ưu đãi.
Hình ảnh tại hội thảo (Ảnh: M.P) |
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo đại diện các đơn vị đến từ Bộ Tài chính, các bộ ban ngành Trung ương, đại diện một số Ban quản lý dự án chương trình, dự án ODA và đại diện các nhà tài trợ Việt Nam.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã giới thiệu về Thông tư Số 218/2013/TT-BTC quy định về quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay ưu đãi nước ngoài của các nhà tài trợ. Ông Hòa cho biết, Thông tư được chia làm 11 chương, gồm 33 Điều. Trong đó đáng lưu ý, các nội dung cơ bản của Thông tư được xây dựng theo hướng bám sát các nhiệm vụ cụ thể của Bộ Tài chính, quy định tại Điều 62 Nghị định 38/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài những quy định chung, Thông tư quy định cụ thể chi tiết các nội dung liên quan đến cơ chế tài chính trong nước; kế hoạch vốn hàng năm; ngân hàng phục vụ; thủ tục rút vốn và quản lý rút vốn; hạch toán NSNN; bố trí vốn đối ứng và ứng trước vốn từ ngân sách nhà nước; tổ chức cho vay lại; chế độ kế toán, kiểm toán, báo cáo, kiểm tra.
Tại Hội thảo đại diện Cục Quản lý công sản (Bộ Tài Chính) cũng đã giới thiệu Thông tư số 198/2013/TT-BTC quy định việc quản lý, sử dụng, xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước. Theo Thông tư, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện dự án có trách nhiệm sắp xếp, bố trí trong số tài sản hiện có của cơ quan, đơn vị mình để phục vụ công tác quản lý dự án. Trường hợp không sắp xếp, bố trí được trong số tài sản hiện có của cơ quan, đơn vị thì cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện dự án được đầu tư, trang bị tài sản theo các hình thức: điều chuyển tài sản từ các cơ quan, đơn vị khác hoặc từ các dự án khác đã kết thúc; thuê tài sản; đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản. Trong đó, việc đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản chỉ áp dụng trong trường hợp không thể áp dụng các hình thức khác.
Trường hợp khi đàm phán để ký kết Điều ước quốc tế cụ thể về ODA, nhà tài trợ yêu cầu phải đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, mua sắm xe ô tô phục vụ công tác quản lý cho Ban Quản lý dự án khác với quy định của Việt Nam để phục vụ công tác của Ban Quản lý dự án thì ngoài việc tuân thủ quy định hiện hành về trình tự, thủ tục ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì đàm phán Điều ước quốc tế cụ thể về ODA phải lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính nhà nước cùng cấp trước khi ký kết Điều ước quốc tế cụ thể đó. Tài sản phục vụ công tác quản lý dự án là trụ sở làm việc của Ban Quản lý dự án, xe ô tô các loại và các tài sản khác đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định theo quy định về tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập sẽ được báo cáo kê khai để đăng nhập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước.
Cũng tại Hội thảo, đại diện Tổng cục Thuế cũng đã giới thiệu về thông tư số 181/2013/TT-BTC về Chính sách thuế ưu đãi đối với chương trình dự án ODA. Theo đó, chính sách thuế đối với nhà thầu chính, nhà thầu phụ (gọi tắt là các nhà thầu) tham gia thực hiện dự án ODA sẽ được siết chặt hơn nhằm thực hiện tốt công tác quản lý các dự án. Đối với các dự án ODA viện trợ không hoàn lại, Thông tư 181/2013/TT-BTC cũng quy định, các nhà thầu nhập khẩu hàng hoá trong quá trình thực hiện hợp đồng ký với chủ dự án phải nộp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuế giá trị gia tăng theo quy định. Nếu nhận thanh toán trực tiếp từ nhà tài trợ thì các nhà thầu nước ngoài có trách nhiệm chuyển tiền thuế phải nộp cho chủ dự án ODA hoặc nhà thầu chính để thực hiện nộp thuế thay. Trong trường hợp các nhà thầu nước ngoài được miễn các loại thuế như: nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuế giá trị gia tăng đối với các loại hàng hóa (gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải…) nhập khẩu vào Việt Nam theo phương thức tạm nhập, tái xuất để phục vụ thi công công trình của dự án được miễn thuế xuất khẩu khi tái xuất….
Ngoài phần trình bày giới thiệu về các Thông tư nêu trên, Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận đến từ các đại biểu tham dự về các vấn đề liên quan đến cơ chế tài chính, vốn đối ứng… được nêu lên tại các Thông tư. Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình nhất trí với nhưng nội dụng đã được nêu tại các Thông tư.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()