Bộ Tài chính nói gì về đề xuất ưu đãi thuế linh kiện với ôtô điện?
Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung đối tượng xe ôtô thân thiện môi trường vào chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ôtô.
Quan điểm của Bộ Tài chính là bổ sung đối tượng ôtô thân thiện với môi trường vào chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ôtô.
Nội dung này được Bộ Tài chính nêu lên trong “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế.”
Bổ sung ôtô chạy điện, xe hybrid?
Theo Bộ Tài chính, Nghị định số 125/2017/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018 có riêng nội dung về thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện ôtô nhập khẩu (mức thuế 0%).
Sau hơn 1 năm thực hiện, Bộ Tài chính cho rằng, nghị định đã góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ôtô và các ngành công nghiệp cơ khí khác, tăng thu ngân sách.
Bộ Tài chính dẫn báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 12/2018 tăng 5,8% so với cùng kì năm ngoái.
Đáng chú ý, 3 đơn vị là Công ty Toyota, Công ty cổ phần sản xuất ôtô Huyndai Thành Công Việt Nam và Công ty Trường Hải đã đóng góp số tiền thuế vào ngân sách Nhà nước năm 2018 tăng khoảng 7.300 tỷ so với năm 2017.
Tuy vậy, theo Bộ Tài chính , sau hơn 1 năm thực hiện, nghị định đã bộc lộ một số nội dung cần sửa đổi. Trước hết, chương trình ưu đãi thuế đối với linh kiện ôtô mới chỉ tập trung vào chủng loại xe tiết kiệm nhiên liệu.
Theo quy định hiện tại, chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ôtô chỉ áp dụng cho các loại xe chạy xăng/dầu (gồm xe dưới 9 chỗ, dung tích xi lanh từ 2.500cc trở xuống, xe mini buýt, xe buýt/xe khách, xe tải).
Việc chưa áp dụng ưu đãi với xe thân thiện môi trường do tại thời điểm xây dựng Nghị định 125/2017/NĐ-CP chưa có doanh nghiệp nào sản xuất các chủng loại xe ôtô thân thiện môi trường.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết, sẽ có một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp các chủng loại xe ôtô thân thiện môi trường khác như xe ô tô điện, xe hybrid.
Bộ Tài chính lấy ví dụ về Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Kinh doanh VINFAST trong năm 2018 đã gửi công văn tới bộ cho biết, từ năm 2020 công ty này sẽ sản xuất, lắp ráp xe ô tô điện. Sản lượng dự kiến như sau: năm 2020 (xe con điện 10.000; xe buýt điện 500); năm 2021(xe con điện 15.000; xe buýt điện 1.000) và năm 2022 (xe con điện 20.000; xe buýt điện 1.500). Qua đó, công ty này đề nghị bổ sung xe điện vào đối tượng áp dụng chương trình ưu đãi thuế.
Để khuyến khích sản xuất, lắp ráp các loại xe thân thiện môi trường theo định hướng của Chính phủ, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung đối tượng xe ôtô thân thiện môi trường vào chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ôtô gồm: xe ôtô chạy điện, xe hybrid, xe sử dụng hoàn toàn nhiên liệu sinh học, xe chạy bằng khí nén thiên nhiên CNG.
“Việc xác định chủng loại xe sản xuất, lắp ráp của doanh nghiệp có phù hợp với chủng loại xe thân thiện môi trường theo quy định của Chương trình ưu đãi thuế đối với linh kiện ôtô hay không căn cứ vào tiêu chí kiểu động cơ và loại nhiên liệu nêu tại Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô sản xuất, lắp ráp do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp,” dự thảo nêu lên.
Phải cam kết sản lượng tối thiểu
Ở hướng khác, theo Bộ Tài chính, nghị định hiện tại quy định cụ thể về điều kiện sản lượng chung và sản lượng riêng cho từng nhóm xe theo giai đoạn 6 tháng hàng năm. Doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về sản lượng chung tối thiểu và sản lượng riêng tối thiểu quy định tại nghị định 125/2017/NĐ-CP thì mới được áp dụng mức ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện 0%.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính cho biết đã nhận được phản ánh vướng mắc phát sinh của một số đơn vị. Ví dụ, một số công ty (Honda, Mitsubishi) đề nghị bỏ quy định về điều kiện “sản lượng chung tối thiểu” và “sản lượng riêng tối thiểu” cho từng mẫu xe để được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ôtô.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, việc quy định điều kiện về sản lượng chung và sản lượng riêng nhằm mục tiêu tăng dung lượng thị trường cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp quyết tâm đầu tư, mở rộng quy mô, giảm chi phí, giảm giá bán. Quy định trên theo đánh giá cũng nhằm đặt ra một quy mô nhất định đủ để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.
“Đây là điều kiện cần thiết để bảo đảm hiệu quả của chương trình,” Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Riêng với ôtô thân thiện với môi trường, Bộ Tài chính cho biết, dự kiến đến năm 2020 sẽ có một số công ty sản xuất, lắp ráp loại xe này.
Để khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, lắp ráp chủng loại xe thân thiện môi trường, Bộ Tài chính trình Chính phủ không quy định riêng điều kiện về sản lượng chung và sản lượng riêng tối thiểu đối với xe ôtô chạy điện, xe hybrid, xe sử dụng hoàn toàn nhiên liệu sinh học, xe chạy bằng khí nén thiên nhiên (CNG).
Sản lượng chung và sản lượng riêng tối thiểu với các loại xe thân thiện với môi trường sẽ được gộp chung vào sản lượng của các chủng loại xe hiện tại.
Ví dụ: các loại xe ôtô chạy điện, xe hybrid, xe dùng nhiên liệu sinh học, xe chạy bằng CNG từ 9 chỗ ngồi trở xuống, có dung tích xi lanh từ 2.500 cc trở xuống phải có sản lượng chung tối thiểu năm 2019 là 8.500 chiếc trong đó sản lượng riêng tối thiểu cho 1 mẫu xe cam kết là 3.500 chiếc. Tới năm 2020, các mức này lần lượt là 10.000 và 4.000 chiếc./.
Ý kiến ()