Bộ Tài chính kiến nghị không giảm 50% phí trước bạ ô tô trong nước, vì sao?
Bộ Tài chính đề xuất cân nhắc việc giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, lo ngại việc này có thể vi phạm cam kết quốc tế.
Bộ Tài chính vừa gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định dự thảo nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Bộ Tài chính cũng cập nhật ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương trong hồ sơ này. Về cơ bản, các đơn vị nhất trí với dự thảo nghị định. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương có ý kiến lo ngại về vi phạm cam kết quốc tế.
Trong đó, Bộ Tài chính đánh giá cụ thể tác động của việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, việc vi phạm các cam kết quốc tế và đề xuất hai phương án.
Phương án 1: Cân nhắc không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Phương án 2: Giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng.
Trên cơ sở phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ thực hiện theo phương án 1.
Theo Bộ Tài chính, việc không giảm thuế trước bạ sẽ tuân thủ quy định theo nguyên tắc đối xử quốc gia trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ từng được triển khai để hỗ trợ cho ngành ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước 3 năm 2020, 2022 và 2023. Mỗi lần giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước kéo dài 6 tháng.
Để ứng phó với việc vi phạm cam kết quốc tế, Bộ Tài chính trình Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát và xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp Việt Nam bị khởi kiện vi phạm các cam kết quốc tế.
Ý kiến ()