Bộ Tài Chính: Giám sát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp dấu hiệu tăng nhanh và nóng, đặc biệt là trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hậu quả cho nền kinh tế.
Ngày 3/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ký văn bản số 13838/BTC-CV yêu cầu Ủy Ban chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính-Ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo thị trường trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.
Rủi ro tiềm ẩn
Trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng được Ngân hàng Nhà nước điều hành thận trọng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng.
Theo Bộ Tài chính, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp huy động trong 11 tháng của năm đạt trên 495.000 tỷ đồng, trong đó phát hành riêng lẻ xấp xỉ 95%, còn lại là phát hành ra công chúng.
Cụ thể, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản là nhà phát hành lớn nhất, chiếm lần lượt 34% và 28% tổng khối lượng phát hành.
Đáng lưu ý, trong số các trái phiếu phát hành riêng lẻ 11 tháng của năm, trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo chiếm 51% và trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 49% (trong đó trái phiếu do các tổ chức chức tín dụng và công ty chứng khoán phát hành chiếm 76%).
Theo đó, nội dung tại văn bản số 13838/BTC-CV nhấn mạnh việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là hình thức phát hành không có tài sản đảm bảo của một số doanh nghiệp, tổ chức phát hành có dấu hiệu tăng nhanh và nóng, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả cho nền kinh tế.
Thậm chí các trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo cũng tiềm ẩn rủi ro, vì các tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, chương trình và dự án. Do đó, mặc dù trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp.
Bộ Tài chính khuyến cáo giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường. Cụ thể, trường hợp thị trường bất động sản hoặc thị trường chứng khoán có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Thêm vào đó đó, tài sản đảm bảo của trái phiếu có thể dùng để bảo đảm cho các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu khác của doanh nghiệp do đó nhà đầu tư cần đánh giá kỹ các rủi ro này.
Trái phiếu doanh nghiệp phát hành phân theo tài sản đảm bảo trong 3 quý của năm:
Hạn chế phát hành trái phiếu doanh nghiệp không đảm bảo
Đánh giá triển vọng thị trường từ nay đến cuối năm, bà Hoàng Việt Phương – Giám đốc Trung Tâm phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI dự báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ kém sôi động trong quý 4 sau “sự kiện Evergrande – nhà phát triển mắc nợ nhiều nhất thế giới (hơn 300 tỷ USD) đang lỡ một loạt hạn chót thanh toán lãi trái phiếu.” Theo đó, Bộ Tài chính sẽ thực hiện một số biện pháp kiểm tra mạnh tay hơn nhằm giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước (cụ thể là các biện pháp quản lý hành chính trong ngắn hạn nhằm hạn chế lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp không đảm bảo.)
Trên thực tế, trong tháng Mười, Bộ Tài chính đã chỉ đạo kiểm tra tại 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường xuất hiện các nhà đầu tư “lách” quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Việc này nhằm mục đích để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua phân phối của công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại mà chưa nắm rõ tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Mặt khác, Bộ Tài Chính cũng rà soát lại một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, tình hình tài chính yếu nhằm hạn chế tối đa nguy cơ vỡ nợ trên thị trường.
Đặc biệt đối với nhóm bất động sản, trong số hơn 100 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm 2021 có 26 doanh nghiệp ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm 2021 và tại thời điểm 30/6/2021. Bên cạnh đó, hệ số nợ vay trên vốn chủ hữu bình quân của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết là 2,5 lần, trong khi tỷ lệ này của các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết là 8,1 lần.
Tỷ trọng nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong 3 quý của năm:
Nhằm tăng cường các biện phát quản lý, tại công văn 13838 – Bộ Tài chính yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiến hành xử phạt nghiêm đồng thời công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp. Các trường hợp xác định có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục phối hợp với các đơn vị và các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành với quy mô lớn so với vốn tự có, phát hành không có tài sản đảm bảo và phát hành nhiều đợt.
Bộ trưởng Bộ Tài chính giao Vụ Tài chính-Ngân hàng và các cơ quan liên quan tập trung cùng Ủy ban chứng khoán nhà nước và các đơn vị liên quan hoàn thiện pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thực hiện công văn số 10059/BTC-VP ngày 1/9 – các quy định về tăng cường công tác quản lý giám sát, nâng cao chất lượng công bố thông tin cho nhà đầu tư, cách thức quản lý nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để thị trường phát triển lành mạnh./.
Ý kiến ()