Bộ Tài chính chủ động với những thách thức tác động đến thực hiện thu - chi ngân sách nhà nước
Chiều 9/6, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề thông tin về nội dung liên quan đến tình hình quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) 5 tháng đầu năm và giải pháp điều hành NSNN từ nay đến hết năm 2015.
Hình ảnh tại buổi họp báo. (Ảnh: M.P) |
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu NSNN thực hiện tháng 5 ước đạt 61,5 nghìn tỷ đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng thu NSNN thực hiện ước đạt 380,76 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó tổng chi NSNN tháng 5 ước 90,7 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 5 tháng ước đạt 455,6 nghìn tỷ đồng, bằng 39,7% dự toán, tăng 8,9% so cùng kỳ năm 2014. Như vậy, bội chi NSNN tháng 5 ước 29,17 nghìn tỷ đồng; luỹ kế 5 tháng ước 74,8 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ bằng 33,1% dự toán năm.
Bộ Tài chính cho biết, 5 tháng đầu năm mặc dù nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức tác động đến việc thực hiện NSNN. Đáng chú ý là giá dầu thô giảm mạnh so với dự toán, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối NSNN năm 2015.
Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và NSNN năm 2015 đồng thời sẵn sàng ứng phó với việc giảm thu ngân sách do giá dầu giảm, đảm bảo sự chủ động trong điều hành và giữ vững cân đối NSNN năm 2015, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 21/4/2015 về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2015
Trong đó, Bộ Tài chính cho biết sẽ tổ chức điều hành chi NSNN chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ mức bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội quyết định; trong đó tạm giữ lại 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2015 của các đơn vị sử dụng ngân sách và 50% nguồn dự phòng của ngân sách các cấp để chủ động xử lý khi nguồn thu NSNN giảm lớn.
Tại buổi họp báo ông Huỳnh Quang Hải, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính ) cho biết, dự toán ngân sách vài năm trở lại đây đều xác định tiết kiệm chi tiêu thường xuyên đối với tất cả các cơ quan, các bộ ngành từ Trung ương đến địa phương. Và yêu cầu tiết kiệm đấy đã được thể hiện ngay trong dự toán. Theo đó, các đơn vị sẽ các thực hành tiết kiệm việc chi thường xuyên này để tạo cho nguồn góp phần thực hiện cải cách tiền lương. Việc tiết kiệm 10% chi thường xuyên trong 8 tháng cuối năm 2015 đây là khoản chính phủ đang chỉ đạo tạm thời giữ lại (không phải là cắt hẳn 10% trong 8 tháng cuối năm).
Đến tháng 8/2015, căn cứ tình hình kinh tế – NSNN, diễn biến giá dầu thô và đánh giá tác động của việc giá dầu giảm đến NSNN, trường hợp dự kiến thu ngân sách Trung ương năm 2015 đạt và vượt dự toán Quốc hội, quyết định, các nguồn kinh phí tạm giữ lại được tiếp tục sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán đầu năm và đáp ứng các nhu cầu chi cấp thiết phát sinh theo quy định. Tuy nhiên, trong trường hợp dự kiến thu ngân sách năm 2015 không đạt dự toán, sẽ cắt giảm các nguồn kinh phí tạm giữ lại của ngân sách trung ương cho đến khi bù đắp được số giảm thu.
Tháng 9, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng để đưa ra quyết định. Việc này nhằm củng cố thêm ý thức tiết kiệm và thể hiện sự quyết tâm điều hành ngân sách, chia sẻ khó khăn chung đối với tình hình kinh tế đất nước.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()