Bổ sung nhiều điều cấm để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ
Vừa điều khiển phương tiện tham gia giao thông vừa sử dụng điện thoại, là hành vi có thể bị phạt lên đến 3 triệu đồng theo Nghị định 100/2019.
Theo đó, Điều 6 của dự thảo Luật quy định rõ có 31 hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó, Bộ Công an cho biết, có nhiều hành vi bị nghiêm cấm là các hành vi qua thực tiễn thi hành pháp luật được xác định là những hành vi nguy hiểm, có nguy cơ cao gây ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hoặc gây mất an ninh, trật tự, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhà nước và nhân dân.
Cụ thể, các hành vi như: Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; Bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm; Ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác trên đường bộ… là những hành vi nguy hiểm phát sinh từ thực tiễn, có nguy cơ cao gây ra tai nạn giao thông.
Theo dự thảo (lần 2) Tờ trình của Bộ Công an, trên cơ sở thực tiễn sau hơn 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ Công an nhận thấy có nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện hiện nay. Mặc dù trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, các quy định phải chấp hành nhưng thiếu các biện pháp cưỡng chế hiệu quả, gồm các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn vi phạm.
Đặc biệt, về ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của nhiều người tham gia giao thông còn rất kém; vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và chống người thi hành công vụ diễn biến hết sức phức tạp. Cụ thể, đã phát hiện, xử lý 57.683.830 trường hợp vi phạm; vi phạm vẫn có tính phổ biến, nhiều hành vi nguy hiểm như đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc, vượt đèn đỏ, đua xe trái phép, sử dụng ma túy, rượu, bia khi điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, chống người thi hành công vụ… vẫn diễn ra thường xuyên.
Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2009 đến tháng 5-2020, tai nạn giao thông ở Việt Nam đã xảy ra 331.390 vụ, làm chết 100.227 người (chủ yếu trong độ tuổi lao động), bị thương 333.435 người, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. So với thế giới, tai nạn giao thông Việt Nam ở mức cao, trong đó nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông là chủ yếu, chiếm đến hơn 90% số vụ.
Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, phải ban hành 164 văn bản dưới luật, nhiều quy định quan trọng cần phải điều chỉnh cụ thể trong Luật nhưng lại giao cho các bộ quản lý chuyên ngành ban hành thông tư. Đến nay, đã có những văn bản hết hiệu lực, có nhiều văn bản phải sửa đổi, bổ sung, thay thế thường xuyên (như các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính) và còn một số văn bản chưa ban hành được, thể hiện thiếu tính ổn định, không tập trung, thống nhất, chưa phù hợp với xu hướng lập pháp hiện đại, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện và chưa đủ mạnh về pháp lý để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.
Do đó, việc xây dựng Luật mới nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, thiết lập và duy trì trật tự, an toàn trong lĩnh vực giao thông đường bộ, giải quyết được những nguyên nhân cơ bản, sâu xa của thực trạng tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông…
Ý kiến ()