Bổ sung chế độ thai sản cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là cần thiết
Một trong những điều làm người lao động chưa mặn mà tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện là vì theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ: Hưu trí và tử tuất, không có chế độ thai sản.
Hiện tại, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Việt Nam còn quá thấp, mới chiếm trên 2%/tổng số người trong độ tuổi lao động, nếu tính cả bảo hiểm xã hội bắt buộc, người tham gia bảo hiểm mới chiếm khoảng trên 33%.
“Bổ sung chế độ thai sản vào quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ vừa tạo thêm sức hút với lao động nữ, nhất là những người trẻ làm nghề tự do, vừa góp phần đảm bảo an sinh xã hội”, chuyên gia Nguyễn Hoàng Yến nêu quan điểm.
Chế độ thai sản cho lao động nữ là chính sách thiết thực và giàu tính nhân văn đối với người tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, hiện đang có sự tương phản trong quy định về việc đóng và hưởng (quyền lợi) của người tham gia giữa bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo quy định hiện hành của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng nhiều quyền lợi hấp dẫn, trong đó có chế độ thai sản cho lao động nữ, còn bảo hiểm xã hội tự nguyện không bao gồm quyền lợi này.
Bác sĩ thăm khám cho sản phụ. Ảnh: TTXVN |
Bà Nguyễn Hoàng Yến, chuyên gia sức khỏe cộng đồng cho rằng quy định này làm giảm sự hấp dẫn của bảo hiểm xã hội tự nguyện.
“bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện chỉ có 3 quyền lợi, gồm: chế độ hưu trí, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần và chế độ tử tuất. Đây là chính sách rất ưu việt nhưng những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chủ yếu là những người trẻ. Họ muốn được bảo vệ trong lúc không đi làm được, tức là họ muốn nhìn thấy quyền lợi của họ trong tương lai gần, chứ không phải đến tận lúc hết tuổi lao động, khi về già. Vì thế, BHXH tự nguyện hiện chưa thu hút được lực lượng lao động nữ, nhất là những người trong độ tuổi sinh đẻ, đang làm việc ở khu vực phi chính thức,” bà Yến lý giải.
Thực tế cho thấy, nhiều nữ lao động trẻ tuổi đang làm nghề tự do, dù hiểu rõ lợi ích của bảo hiểm xã hội nhưng vẫn chưa tham gia. Chị Hoàng Thị Sỹ, 26 tuổi, ở huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, làm nghề buôn bán tự do. Chị chia sẻ, điều chị quan tâm nhất là chế độ thai sản. Tuy nhiên, chị không đủ điều kiện để đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
“Tôi chỉ có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vì không làm cho công ty, xí nghiệp nào cả. Nếu bảo hiểm xã hội tự nguyện bổ sung quyền lợi về thai sản thì tôi sẽ tham gia, vì tôi có dự định trong vài năm tới sẽ lập gia đình và sinh con. Bảo hiểm sẽ hỗ trợ lúc tôi bị mất thu nhập vì phải nghỉ làm, chi phí gia tăng do phát sinh các khoản chăm sóc sức khỏe bản thân và nuôi con”, chị Sỹ nói.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý III năm 2021, số lao động có việc làm chính thức là 15,1 triệu người, giảm 468.900 người so với quý trước và giảm 657.000 người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông lâm nghiệp thủy sản là 18 triệu người, giảm 2,9 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hiện mới chỉ có trên 2% tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
“Với tính chất của bảo hiểm xã hội, càng nhiều người tham gia thì hiệu quả của bảo hiểm xã hội trong việc đảm bảo an sinh càng cao. Trong khi đó, số lao động tự do chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn rất lớn. Vì thế, việc bổ sung chế độ thai sản vào quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là rất cần thiết. Đó vừa là yếu tố thu hút lao động nữ, trẻ tuổi làm việc ở khu vực phi chính thức tham gia, vừa là giải pháp góp phần đảm bảo an sinh xã hội”, bà Nguyễn Hoàng Yến nhấn mạnh.
Bà Đinh Mai Hạnh, Phó trưởng Ban quản lý thu, sổ – thẻ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Để tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh sự hỗ trợ này, cần sửa đổi chính sách và cải thiện công tác tổ chức thực hiện. Cụ thể, tạo điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm và tiến tới còn 10 năm để được hưởng lương hưu và bổ sung các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt, thêm quyền lợi cho người tham gia như: ốm đau, thai sản.
Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, qua khảo sát thực tế cho thấy, có những khoảng trống về pháp luật trong chính sách với lao động di cư. Ví dụ, nhiều chính sách an sinh xã hội chủ yếu quy định theo hộ khẩu thường trú, gây khó khăn cho người lao động khiến họ ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản. Cụ thể, lao động di cư, đặc biệt là lao động nữ khó tiếp cận bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế. Hai chế độ chính sách các lao động nữ di cư quan tâm nhất khi đi làm xa là chế độ nghỉ thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp nhưng họ lại khó tiếp cận. |
Ý kiến ()