Bổ sung các giải pháp hiệu quả để giảm tác hại với người hút thuốc
Trong bối cảnh tỷ lệ cai thuốc không có tiến triển khả quan, cần cân nhắc bổ sung các giải pháp hiệu quả, nhân văn hơn cho cả người chưa cai được thuốc hoặc chưa sẵn sàng cai.
Phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ Trần Văn Ngọc. (Ảnh:Vietnam )
Ở góc độ y khoa, các chuyên gia y tế đều khẳng định, bỏ thuốc lá hoàn toàn là tốt nhất. Tuy nhiên, khi mọi nỗ lực thất bại thì giảm tác hại được coi là một giải pháp dung hòa. Dù người hút thuốc lựa chọn giải pháp giảm tác hại nào thì cũng vẫn tốt hơn là lựa chọn tiếp tục hút thuốc lá điếu thông thường.
Liên quan đến hướng giải pháp này, phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp Thành phố Hồ Chí Minh đã có bài viết “Thông tin chưa đầy đủ về các sản phẩm giảm tác hại sẽ ảnh hưởng đến các giải pháp nhân văn cho người hút thuốc.”
Sau đây là nội dung bài viết:
Trên toàn cầu, hút thuốc lá là một vấn đề y tế cộng đồng khẩn cấp và nghiêm trọng, với số người chết vì hút thuốc lên tới hơn 8 triệu người mỗi năm. Những biện pháp cần thiết và cấp bách được thế giới đã và đang áp dụng nhằm cố gắng chống lại việc hút thuốc lá. Tuy nhiên, trong bối cảnh tỷ lệ cai thuốc không có tiến triển khả quan, cần cân nhắc bổ sung các giải pháp hiệu quả, nhân văn hơn cho cả người chưa cai được thuốc hoặc chưa sẵn sàng cai.
Giảm tác hại thuốc lá thông qua công nghệ loại bỏ quá trình đốt cháy. Rõ ràng, cai thuốc lá hoàn toàn luôn là điều tốt nhất nên làm. Nhưng trong thực tế, tỷ lệ cai thuốc lá thành công thật sự không cao. Người hút thuốc không chỉ hút vì nicotine, mà họ còn quen với hành vi khi hút, rít, cầm, nắm, gẩy điếu thuốc. Đây cũng là dạng hành vi gây nghiện. Nên thay vì để người hút thuốc chọn giữa ‘cai thuốc lá’ và ‘chết’, đối với những người không thể hoặc chưa sẵn sàng cai, cần có một cách thứ ba, đó là giảm tác hại.
Theo đó, nhờ sự tiến bộ của khoa học công nghệ, hiện nay đã có các sản phẩm vẫn cung cấp nicotin mà không kèm theo quá trình đốt cháy – vốn là nguyên nhân sản sinh ra hầu hết các chất độc hại trong khói thuốc. Thế nhưng đến nay, thông tin về các sản phẩm giảm tác hại cung cấp cho người hút thuốc chưa được toàn diện. Nếu được tiếp cận với những thông tin khoa học xác đáng, đã được kiểm chứng, người hút thuốc sẽ có thể lựa chọn hoặc cai thuốc, hoặc thay thế thuốc lá điếu bằng những sản phẩm có hàm lượng các chất gây hại thấp hơn. Dù họ lựa chọn phương án nào cũng tốt hơn là để họ tiếp tục hút thuốc lá điếu thông thường.
Các Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cục Quản Lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và nhiều cơ quan y tế công cộng trên toàn cầu đều nhấn mạnh các loại sản phẩm thuốc lá là khác nhau, trong đó thuốc lá điếu là sản phẩm gây hại nhất.
Tại Diễn đàn Nicotin Toàn cầu, hàng trăm chuyên gia y tế công cộng, các bác sỹ từ nhiều chuyên khoa khác nhau và những nhà cải cách chính sách trên toàn thế giới đã họp lại để thảo luận về hướng tiếp cận giảm tác hại thuốc lá.
Nhiều chuyên gia tại diễn đàn tin rằng các sản phẩm loại bỏ quá trình đốt cháy có dữ liệu khoa học đáng tin cậy có thể có tác động tích cực đến y tế công cộng vì có thể làm giảm tác động tiêu cực lên sức khỏe của những người trưởng thành không thể cai thuốc lá.
Chuỗi nguy cơ của các sản phẩm thuốc lá khác nhau, trong đó thuốc lá điếu là độc hại nhất.
Dữ liệu khoa học về hướng tiếp cận giảm tác hại thuốc lá Các tổ chức y tế trên thế giới như FDA Hoa Kỳ, Viện Đánh giá Nguy cơ Liên bang Đức (BfR), Viện Y tế Công cộng và Môi trường Quốc gia của Hà Lan (RIVM) đã tiến hành các đánh giá và nghiên cứu độc lập đối với các sản phẩm đã ứng dụng công nghệ này. Kết quả cho thấy hàm lượng các tác nhân gây hại và có tiềm năng gây hại chính trong các sản phẩm này giảm rõ rệt so với thuốc lá điếu đốt cháy thông thường.
Một phân tích dữ liệu đời thực từ tất cả dữ liệu có sẵn từ cơ sở dữ liệu của Trung tâm Dữ liệu Y tế Nhật Bản (JMDC) cho thấy có sự giảm đáng kể số ca nhập viện vì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và bệnh tim thiếu máu cục bộ cấp tính kể từ khi một sản phẩm giảm tác hại thay thế thuốc lá điếu áp dụng công nghệ loại bỏ quá trình đốt cháy này có mặt tại Nhật Bản.
Nhìn chung, các giải pháp giảm tác hại bằng những sản phẩm thay thế thuốc lá điếu nếu đã được chứng minh và có đầy đủ bằng chứng khoa học cho thấy có khả năng giảm tiếp xúc của các chất độc hại lên cơ thể, nên được cân nhắc áp dụng để giảm thiểu nguy cơ tử vong liên quan đến hút thuốc lá. Là bác sỹ, về mặt chuyên môn, không ai chấp nhận bất kỳ loại thuốc lá nào thay thế cho việc hút thuốc.
Tuy nhiên, các giải pháp giảm tác hại mặc dù không tốt bằng cai thuốc lá hoàn toàn, nhưng nếu người hút thuốc có thể chuyển đổi từ thuốc lá điếu sang các sản phẩm này, điều này đồng nghĩa họ đã giảm được phần lớn các chất gây hại lên cơ thế hơn là tiếp tục để họ hút thuốc lá điếu.
Chúng ta có trách nhiệm khuyến khích cai thuốc và giúp cho người hút thuốc cai thuốc thành công, nhưng đồng thời cũng không thể bỏ mặc những người không thể cai thuốc lá hoặc để cho chết dần, chết mòn vì tiếp tục hút thuốc lá điếu.
Đối với bác sỹ, mục tiêu cuối cùng sẽ vẫn luôn là làm sao để giảm nguy cơ cho bệnh nhân, bao gồm cả những bệnh nhân không thể cai hoặc chưa sẵn sàng cai thuốc lá. Dù cách nào đi nữa, cai thuốc hoặc chuyển đổi sang các giải pháp có hàm lượng các chất gây hại thấp hơn, chỉ cần bệnh nhân chịu hợp tác, thì còn có cơ hội để cứu chữa./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()