Bộ sách Pháp thay đổi định kiến về quyền riêng tư của mỗi người
“Tuyên bố về quyền,” bộ sách của Pháp đề cập đến quyền riêng tư của mỗi người và tôn trọng sự bình đẳng trong xã hội vừa được nhà xuất bản Kim Đồng biên dịch và phát hành.
Ngày 6/11, nhà xuất bản Kim Đồng đã phối hợp với L’Espace tổ chức tọa đàm nhân dịp ra mắt bộ sách “Tuyên Bố Về Quyền”do dịch giả Hải Ngân chuyển ngữ.
Với phần lời của nhà tâm lý học Elisabeth Brami và tranh minh họa của Estelle Billon-Spagnol, bộ sách “Tuyên Bố Về Quyền”làm thay đổi suy nghĩ và những định kiến về quyền của mỗi người trong cuộc sống.
Bộ sách gồm 4 cuốn: “Tuyên Bố Quyền Của Mẹ,” “Tuyên Bố Quyền Của Bố,” “Tuyên Bố Quyền Của Con Trai,” “Tuyên Bố Quyền Của Con Gái.”
Từ nguyên bản tiếng Pháp, cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Tờ Irish Times nhận xét: Với ngôn ngữ ngắn gọn, rõ ràng và minh họa vui nhộn, cuốn sách dễ dàng thuyết phục người đọc tiếp cận các vấn đề về quyền và bình đẳng, thông qua những câu chuyện thú vị, chứ không phải những bài thuyết giảng khô khan.
Buối trò chuyện sẽ giúp độc giả nhỏ tuổi hiểu rõ hơn những quyền trong cuộc sống xã hội hiện đại. Từ đó, bộ sách gửi thông điệp rằng việc tôn trọng sự bình đẳng giữa tất cả mọi người là vô cùng cần thiết trong xã hội hiện đại.
Bộ sách cũng phân tích những thay đổi trong các gia đình thời hiện đại, nơi các thành viên cảm thông, chia sẻ với nhau và yêu thương nhau. Bởi vì, chính trái tim biết cảm thông và yêu thương là ngọn lửa để biến ngôi nhà trở thành tổ ấm của chúng ta.
Tại tọa đàm, tiến sỹ giáo dục Nguyễn Thị Bích Thủy (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu thực tế có những quyền mà trong xã hội hiện đại rất đề cao như quyền tôn trọng đời sống riêng tư hay quyền được học tập, được tự do ngôn luận.
“Môi trường xã hội chúng ta khác xã hội phương Tây, phương Tây đề cao quyền cá nhân, còn Việt Nam nói riêng và xã hội phương Đông nói chung đề cao tính cộng đồng. Do đó khi cá nhân trong gia đình chúng ta thực hiện nhu cầu, thực hiện mong muốn thì cần đạt sự tương thích với nhu cầu và quyền của những thành viên khác trong gia đình. Dù là xã hội Việt Nam truyền thống hay xã hội Việt Nam hiện đại thì vẫn phải đảm bảo quyền tương thích với chuẩn mực văn hóa của xã hội,” tiến sỹ Thủy nói./.
Ý kiến ()