Bộ sách giáo khoa tiểu học mới của Nhật Bản gây tranh cãi ngoại giao
Kể từ tháng 4/2020, bộ sách giáo khoa mới của Nhật Bản, trong đó có các cuốn sách xã hội ghi rõ chủ quyền lãnh thổ của nước này tại các khu vực đang tranh chấp, sẽ chính thức được phép giảng dạy.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, kể từ tháng 4/2020, bộ sách giáo khoa mới của Nhật Bản, trong đó có các cuốn sách xã hội ghi rõ chủ quyền lãnh thổ của nước này tại các khu vực đang tranh chấp, sẽ chính thức được phép giảng dạy tại các trường tiểu học.
Đây là lần đầu tiên Nhật Bản chính thức đưa vào giảng dạy vấn đề chủ quyền lãnh thổ từ cấp tiểu học (từ lớp 4 đến lớp 6).
Bộ Văn hóa, Giáo dục, Khoa học công nghệ và Thể thao Nhật Bản (MEXT) khẳng định đây là nội dung có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục công dân Nhật Bản về đất nước mình từ khi còn là một đứa trẻ, từ đó có thể giáo dục lớp trẻ Nhật Bản cách tiếp cận để bảo vệ quê hương đất nước và tiếp tục tích lũy kiến thức sau này.
Các cuốn sách xã hội dành cho học sinh tiểu học sửa đổi của Nhật Bản gồm phần bản đồ có số trang tăng thêm 31% so với trước đó, trong đó chỉ rõ chủ quyền của Nhật Bản tại 3 vùng lãnh thổ tranh chấp gồm Lãnh thổ phương Bắc mà Nga gọi là Nam Kuril , quần đảo Takeshima mà Hàn Quốc gọi là Dokdo và quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Không chỉ được biên soạn bằng tiếng Nhật, các cuốn sách xã hội mới còn được xuất bản bằng tiếng Anh với mong muốn truyền bá cho cả người nước ngoài.
Tính tới thời điểm hiện tại, chưa có thông tin về số lượng các trường tiểu học sẽ sử dụng bộ sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, bộ sách xã hội nói trên đã được tỉnh Shimane, tỉnh được giao quản lý danh nghĩa hành chính quần đảo tranh chấp Takeshima/Dokdo sử dụng làm tài liệu tham khảo.
Ngay sau khi thông tin trên chính thức được công bố, Hàn Quốc, Trung Quốc đã lập tức có động thái. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại nước này tới để phản đối những sửa đổi về nội dung bộ sách giáo khoa nói trên.
Seoul cho rằng Dokdo/Takeshima là lãnh thổ lịch sử của Hàn Quốc, đồng thời lên án mạnh mẽ việc Nhật Bản thông qua bộ sách có nội dung không chính xác, yêu cầu Nhật Bản hủy bỏ ngay lập tức bộ sách này. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cũng phản đối bộ sách giáo khoa của Nhật Bản, khẳng định Điếu Ngư/Senkaku là lãnh thổ lịch sử của nước này.
Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 27/3 bác bỏ các phản đối của Hàn Quốc và Trung Quốc. Ông khẳng định mỗi một quốc gia đều có lập trường riêng và Nhật Bản đang dựa trên lập trường riêng của nước này.
Theo Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, lịch sử và lãnh thổ của Nhật Bản phải được giải thích một cách chính xác cho trẻ em và những bằng chứng xác thực trong cuốn sách là cực kỳ quan trọng. Việc kiểm định bộ sách cũng đã được tổ chức công bằng, khách quan dựa trên thẩm định về cả chuyên môn, học thuật.
Đây không phải là lần đầu tiên căng thẳng giữa Nhật Bản với các nước láng giềng Đông Bắc Á “dậy sóng” liên quan tới lịch sử, lãnh thổ ghi trong sách giáo khoa Nhật Bản . Năm 2001, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đã phản đối hết sức mạnh mẽ việc MEXT thông qua bộ sách giáo khoa lịch sử mới, trong đó hàm ý giảm và minh oan cho những hành động thời chiến của Nhật Bản trong cuộc chiến Nhật-Trung đầu tiên và sự chiếm đóng Triều Tiên năm 1910, cũng như chiến tranh Nhật-Trung lần hai và Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Nhiều cuộc biểu tình chống Nhật Bản cũng đã diễn ra tại hai nước này.
Chế độ quản lý sách giáo khoa của Nhật Bản được thực hiện từ năm 1947 dựa trên mô hình tương tự Mỹ. Theo đó, nội dung và việc phát hành sách giáo khoa được trao cho nhiều tổ chức; chính phủ, cụ thể là MEXT chỉ đóng vai trò thẩm định, cũng như cấp phép xuất bản. Các khu vực và trường học được quyền tự chọn lựa bộ sách giáo khoa phù hợp để cấp phát, giảng dạy cho học sinh./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()