Bộ quy tắc ứng xử: Điều tiết hành vi của người tham gia mạng xã hội
Mạng xã hội đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đang được kỳ vọng sẽ góp phần tạo dựng môi trường mạng lành mạnh, hữu ích.
Trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam và Indonesia vừa qua thu hút hơn 15 triệu lượt xem trên kênh YouTube Next Sports, trong đó có 1,5 triệu lượt xem cùng thời điểm. Một cá nhân livestream suốt 3 tiếng đồng hồ để “bóc phốt” người khác cũng thu hút đến 15 triệu lượt xem, trong đó có 500.000 lượt xem cùng lúc.
Từ khi nào người dùng mạng xã hội mê xem “bóc phốt” cũng gần như mê bóng đá? Việc một cá nhân lên mạng chỉ trích người khác có vi phạm đạo đức hay pháp luật, có phải là một hành vi “lệch” chuẩn?
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử khẳng định: “Khi chúng ta có Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội thì mỗi cá nhân bên cạnh việc chấp hành pháp luật cũng phải tuân thủ chuẩn mực văn hoá khi tham gia không gian mạng. Từ đó, người dân có sự thay đổi, tuân thủ luật pháp và điều chỉnh về mặt đạo đức.”
“Thượng vàng hạ cám” trên mạng xã hội
Tiến sỹ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay chị tham gia mạng xã hội từ năm 2009. Đến nay, trang cá nhân của chị có 18.600 người theo dõi.
Chị nhận thấy rằng “cộng đồng” của mình nhìn chung là văn minh, lịch sự. Mọi người chia sẻ với nhau những điều quý giá. Mỗi khi chị có điều gì đó muốn chia sẻ thì thông tin được lan tỏa nhanh đến nhiều người. Chị khẳng định mạng xã hội có nhiều mặt tích cực với đời sống.
Tiến sỹ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)
Tuy nhiên, mạng xã hội ẩn chứa không ít tiêu cực như hiện tượng quảng cáo tràn lan những sản phẩm kém chất lượng, một số cá nhân ăn mặc hở hang, phản cảm trong các livestream bán hàng…
“Trước những hiện tượng như vậy, người dùng mạng chỉ tiếp nhận mà không có thời gian để kiểm chứng, điều đó rất nguy hiểm. Chúng ta phải thừa nhận rằng mạng xã hội là nơi ‘thượng vàng hạ cám,’ khi tham gia thì bạn phải tự biết chọn ‘vàng’ thôi,” tiến sỹ Phạm Thị Thúy chia sẻ.
Chị cho rằng mặt trái của mạng xã hội có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em. Người lớn có kinh nghiệm, có sự hiểu biết để nhận thức đúng sai nhưng trẻ em thì chưa có khả năng nhận biết và loại bỏ những thông tin độc hại.
“Những người đăng tải nội dung độc hại trên mạng xã hội như Facebook hay YouTube là những kẻ làm ô nhiễm trí tuệ và tâm hồn trẻ em,” chị khẳng định.
Chia sẻ về vấn đề này, ca sỹ Thái Thùy Linh cho hay: Trẻ em Việt Nam vốn đã thiếu những những sản phẩm văn hoá và chương trình giải trí chất lượng, giờ văn hoá độc hại lại nhan nhản khắp nơi, điều đó khiến tôi rất lo lắng.”
Là nghệ sỹ nhưng Thái Thùy Linh tự giới hạn số người tham gia vào “cộng đồng” của mình để đảm bảo môi trường lành mạnh và văn minh. Chị chủ động chặn những người có phát ngôn mất lịch sự, gây hấn.
Thái Thùy Linh cho rằng những cuộc bóc phốt, đấu tố nhau hay clip đánh ghen trên mạng chính là hành vi “gây rối trật tự công cộng trên mạng xã hội,” cần phải dẹp bỏ như những cuộc ẩu đả ngoài đời thực. Chính quyền cần sớm có những biện pháp quyết liệt hơn để làm trong sạch môi trường mạng xã hội.
Ứng xử trên mạng xã hội cần có quy tắc
Theo một con số thống kê vào đầu năm nay, Việt Nam có hơn 70 triệu người đang sử dụng mạng xã hội, chiếm gần 70% dân số. Điều đó cho thấy mạng xã hội đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Tổng biên tập tạp chí Tiếp thị và Gia đình cho rằng sự phát triển của mạng xã hội là tất yếu, con người không thể đi ngược lại tiến trình đó mà chỉ có thể hình thành những quy tắc ứng xử để tạo ra một mạng xã hội có trật tự.
“Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vào thời điểm này là rất kịp thời và đúng đắn,” ông Sơn cho biết.
Ông cho rằng Bộ quy tắc là một công trình dày dặn, có ý nghĩa, gồm những khoản mục chi tiết, dành riêng cho nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội, liệt kê ra các hành vi nên và không nên làm.
Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nhận định rằng việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử có tác dụng rất lớn để có thể điều tiết hành vi của mỗi người trên môi trường mạng. Trong đó, những người sử dụng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về những hành động, phát ngôn, hình ảnh của mình.
Theo ý kiến của tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, bên cạnh Bộ quy tắc này, các cơ quan chức năng cần triển khai những quy tắc đạo đức nghề nghiệp đặc thù.
Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viên Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Đồng tình với quan điểm đó, ông Nguyễn Trường Sơn cho rằng các hội nghề nghiệp sẽ lấy bộ quy tắc do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành làm kim chỉ nam để xây dựng quy tắc đạo đức cho phù hợp với thành viên và hoàn cảnh của hội mình.
Cần chế tài xử lý các hành vi “lệch chuẩn” trên mạng xã hội
Tiến sỹ xã hội học Phạm Thị Thúy nhận định rằng Bộ quy tắc mang ý nghĩa tích cực, hướng tới chuẩn mực chung, tôn trong pháp luật, nâng cao trách nhiệm của người dùng mạng xã hội, tuy nhiên người dân cần phải hiểu đúng về bản chất và chức năng của Bộ quy tắc này.
“Bộ quy tắc mang tính chất khuyến khích mọi người hành xử cho đúng, không mang tính chất bắt buộc hay có chức năng xử phạt,” tiến sỹ Thúy chia sẻ.
Do đó, tiến sỹ Phạm Thị Thúy khẳng định rằng song hành với Bộ quy tắc vẫn cần có quy định pháp luật, chế tài để xử lý các trường hợp vi phạm.
“Dựa trên Bộ quy tắc, người dùng nhận biết được đâu là hành vi sai trái, từ đó có thể báo cáo lên bộ phận quản trị trang mạng. Hãy tận dụng quyền lợi của mình để loại bỏ những hành vi ảnh hưởng đến môi trường mạng,” tiến sỹ Thúy khuyến cáo.
Ông Nguyễn Trường Sơn cho rằng cần phải tăng cường tuyên truyền nội dung Bộ quy tắc đến với người dân thông qua những trường hợp cụ thể để Bộ quy tắc dễ hiểu và thực sự đi vào đời sống. Sau 6 tháng, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét lại, loại bỏ những điều khoản không phù hợp, bổ sung những điều cần thiết, có như vậy mới theo kịp sự phát triển của xã hội.
“Quy tắc ứng xử phải có nội dung gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với đời sống hiện đại, hài hòa với sự phát triển của xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế, có như vậy thì Bộ quy tắc mới có thể song hành cùng đời sống,” nhà báo Nguyễn Trường Sơn nói.
Phân tích kỹ hơn về điều này, nhà báo cho rằng cơ quan nhà nước cần tuyên truyền để người dùng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ hiểu được quy tắc ứng xử ở mỗi nơi mỗi khác, phụ thuộc vào bối cảnh văn hóa-xã hội và thuần phong mỹ tục của quốc gia đó. Người dân cần hiểu rằng để có một nền chính trị ổn định, một xã hội trật tự, bình yên thì phải chấp nhận những quy tắc ràng buộc đó.
Nhờ có quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, người dân sẽ phân biệt được đúng sai, biết chọn lọc và tiếp thu những thông tin có ích. Đối với những hành vi tiêu cực, dù chưa thể xử lý theo pháp luật thì cộng đồng cũng sẽ lên án. Nhà báo Trường Sơn cho rằng thái độ của dư luận mới là hình phạt nặng nề, có tính răn đe nhất dành cho những người có hành vi sai trái./.
Ý kiến ()