Bộ Quốc phòng tổng kết 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Tới dự hội nghị có Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tại các điểm cầu.
Trung tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị.
Qua thảo luận, các ý kiến phát biểu đều nhất trí cao với dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng của Bộ Quốc phòng; đồng thời làm rõ, bổ sung nhiều nội dung của báo cáo và kiến nghị, đề xuất một số vấn đề quan trọng từ thực tiễn 10 năm thi hành Luật.
Theo đó, Luật Quốc phòng được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực từ ngày 1/1/2006. Qua 10 năm thi hành, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân đã phối hợp triển khai thực hiện toàn diện công tác quốc phòng theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tế và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nổi bật, việc thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng ngày càng chặt chẽ, tạo sự thống nhất đồng thuận cao trong các tầng lớp xã hội; là tiền đề, cơ sở để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên phạm vi cả nước, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, toàn diện; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng đất nước. Cùng với đó, việc thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; lợi ích quốc gia dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tiềm lực kinh tế, uy tín, vị thế quốc tế của đất nước nâng cao. Nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được củng cố; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc được nâng lên, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, Luật Quốc phòng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, vướng mắc. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới; đồng thời cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp năm 2013 về tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, Quốc hội khóa XIV đã quyết định sửa đổi Luật Quốc phòng và Chính phủ đã phân công Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi).
Thay mặt Chính phủ, Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng, phát biểu chỉ đạo hội nghị, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng những kết quả quan trọng trong thực hiện Luật Quốc phòng của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố đã đạt được trong suốt 10 năm qua, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; nhiệm vụ quốc phòng-an ninh của cả nước.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, kết quả quan trọng nhất sau 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng là nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân cả nước về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có chuyển biến rõ rệt. Các cấp, ngành đã tập trung huy động mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển kinh tế, đảm bảo chính sách, an ninh xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh; chủ động trong đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Công tác quản lý Nhà nước về quốc phòng của các tỉnh, thành phố và cả nước có nhiều tiến bộ. Các ban, bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ quản lý nhà nước về quốc phòng trên phạm vi cả nước…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng đã chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Quốc phòng, như: Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và công tác quản lý nhà nước về quốc phòng ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; các mặt bảo đảm cho động viên quốc phòng và dự trữ vật chất cho hoạt động của khu vực phòng thủ còn nhiều bất cập; việc quán triệt quan điểm phát triển kinh tế-xã hội kết hợp củng cố quốc phòng và an ninh chưa toàn diện…
Sau khi phân tích tình hình thế giới, khu vực và trong nước trong thời gian tới, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đề nghị sau hội nghị tổng kết, các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương, lực lượng vũ trang cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác quân sự, quốc phòng; đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho các đối tượng; nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương, lực lượng vũ trang cần phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn cả nước, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm; xây dựng lực lượng vũ trang các cấp vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trình độ sẵn sàng chiến đấu cao. Các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương, lực lượng vũ trang cần tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, xây dựng khu vực phòng thủ; nâng cao chất lượng xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc toàn diện. Các cấp, ngành tiếp tục làm tốt việc tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách để xây dựng khu vực phòng thủ các cấp ngày càng vững chắc; quan tâm đến xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, nhất là dân quân thường trực các tỉnh biên giới, địa bàn trọng điểm.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch yêu cầu cơ quan quân sự các cấp phải làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự; chú trọng củng cố, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền, đoàn thể ở cơ sở và củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc…/.
Ý kiến ()